.

HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 6,1%

Cập nhật: 18:45, 07/07/2021 (GMT+7)

HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 6,1% vì  ảnh hưởng đợt dịch bùng phát Covid-19 mới đây. Triển vọng phục hồi kinh tế vẫn tươi sáng, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh và tăng tốc chương trình tiêm chủng vaccine cần trở thành ưu tiên quan trọng cần thực hiện.

 

Trong báo cáo vĩ mô mới đây về tình hình kinh tế Việt Nam, khối nghiên cứu của HSBC đã giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2021 từ 6,6% xuống còn 6,1%, vì lý do phản ánh tác động của đợt bùng dịch Covid-19 mới nhất. Mức tăng trưởng này vẫn nằm trong con số mục tiêu mà Chính phủ đưa ra là 6-6,5%, vừa được kiến nghị giữ nguyên.

Trong báo cáo mới đây, GDP quí 2 vừa qua tăng mạnh 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo HSBC, mức tăng trưởng cao phần lớn là nhờ kết quả cùng kỳ năm trước rất thấp, đồng thời, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt như kỳ vọng dự báo trước đó (HSBC dự báo 6,7%, Bloomberg là 7,2%).

Ảnh hưởng bởi đợt dịch gần đây, nhiều hoạt động kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề. Thống kê cho thấy khả năng đi lại của người dân ở Việt Nam đã giảm mạnh tương đương 30% so với trước đại dịch, mức giảm cao thứ hai so với các nước ASEAN.

Trong số này ngành dịch vụ là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đóng góp vào tăng trưởng GDP chỉ còn 20% trong quí 2-2021, giảm mạnh so với mức 45% trước đại dịch. Các ngành liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận tải và lưu trú, tiếp tục tình trạng ảm đạm.

Ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng tích cực ở mức 3,4% trong quí 2, nhưng do mức giá cơ sở thấp trong cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng cũng đạt thấp nhất kể từ đợt giãn cách toàn xã hội vào quí 2 năm ngoái.

Trong đợt bùng dịch lần thứ tư, số liệu tháng 5 và 6 cho thấy tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp hai tháng so với cùng kỳ năm trước. “Dữ liệu này phản ánh mức độ ảnh hưởng của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn nhiều so với hai đợt trước”, báo cáo HSBC nhận định.

Các chỉ số dự báo vẫn chỉ ra những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ số PMI tháng 6 lao dốc xuống 44,1, chạm mức thấp nhất trong vòng một năm, với các chỉ số trọng yếu cùng giảm mạnh.

Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu trong nước chịu tác động rõ rệt, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục bền vững đáng ngạc nhiên trong quí 2. Xuất khẩu quí trước tăng 33% so với cùng kỳ.

HSBC đánh giá Việt Nam vẫn hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm liên quan đến dịch bệnh, bao gồm điện tử và máy móc. Thêm vào đó, ngành sản xuất truyền thống giúp tăng trưởng xuất khẩu ổn định nhờ nhu cầu toàn cầu được cải thiện và lượng tiền lớn người tiêu dùng các nước phương Tây nhận được. Thêm nữa, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận điểm tích cực, phản ánh mức độ tin tưởng dài hạn của nhà đầu tư.

“Bất kể những thách thức trước mắt do đại dịch Covid-19, chúng tôi tin rằng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tươi sáng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực”, báo cáo HSBC đánh giá. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, HSBC cũng nhấn mạnh một ưu tiên quan trọng khác Việt Nam cần thực hiện là tăng tốc chương trình tiêm phòng Vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.