.

Tiền Giang: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật: 09:27, 26/07/2021 (GMT+7)

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất - kinh doanh. Không ít doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa do tác động của dịch bệnh Covid-19. Triển khai kịp thời các gói hỗ trợ của Nhà nước là bước đi cần thiết cho các doanh nghiệp đã và đang chịu tác động của dịch Covid-19.

TÁC ĐỘNG LỚN

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 6-2021 đến nay đã gây rất nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất. Các doanh nghiệp trong tỉnh đang chịu áp lực từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc là quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu chính và là thị trường xuất khẩu lớn.

Công ty cổ phần Gò Đàng áp dụng phương án “3 tại chỗ” trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh.
Công ty cổ phần Gò Đàng áp dụng phương án “3 tại chỗ” trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất đủ đơn hàng để giao cho đối tác nhưng lại không thể xuất khẩu do ở các quốc gia đối tác cũng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh họ đặt ra nhiều biện pháp nhằm siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu nên việc thông quan và vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp có công nhân là F0 hoặc F1 như: Công ty Gia công Giày da Khang Hinh (TX. Cai Lậy), Công ty TNHH MTV Choi & Shin’s Vina (TP. Mỹ Tho), Công ty cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công)...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, để ổn định sản xuất và an toàn phòng dịch, phương án “3 tại chỗ” được đưa ra. Chủ trương này cũng được các doanh nghiệp cơ bản đồng thuận để triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” để tiếp tục sản xuất trong mùa dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, Khu công nghiệp Mỹ Tho, cho biết công ty đã chuẩn vị tinh thần trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.

“Công ty triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm tạo điều kiện cho công nhân có việc làm và đảm bảo thực hiện các đơn hàng mà công ty đã ký với đối tác, hướng đến mục tiêu ổn định sản xuất - kinh doanh. Sau thời gian triển thực hiện khai phương án “3 tại chỗ”, tình hình sản xuất của công ty cơ bản được đảm bảo, nhất là yếu tố phòng, chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu” - ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.

Đánh giá tình hình hoạt động của một số ngành cụ thể trong những tháng đầu năm 2021, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành chế biến thực phẩm giảm 25%, trong đó sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 17,8% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp thuộc ngành này tiếp tục gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và nguồn tiêu thụ trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Sản xuất đồ uống tăng hơn 6% nhờ tình hình sản xuất và tiêu thụ bia của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực.

Ngành dệt giảm hơn 17%, do tình hình tiêu thụ sản phẩm mùng xuất khẩu của Công ty TNHH Minh Hưng sang thị trường Nhật tiếp tục giảm. Sản xuất trang phục tăng gần 21% so với cùng kỳ, hàng dệt may của tỉnh Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng đạt chất lượng và uy tín, có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn. Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng hơn 12%. Sản xuất kim loại giảm 1,3% do tình hình sản xuất ống đồng xuất khẩu của Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng tháng 7-2021 giảm…

Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 23-7, trên địa bàn tỉnh có 71 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã tổ chức sắp xếp, xây dựng phương án “3 tại chỗ”, với tổng số lao động thực hiện phương án trên 12.134 người. Các doanh nghiệp còn lại đã tạm dừng hoạt động, với 39 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 10 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp.

Sở Công thương cũng cho biết thêm, đến nay đã có 60 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã xây dựng phương án “3 tại chỗ” để tiếp tục hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại đã ngừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

TRIỂN KHAI CÁC GÓI HỖ TRỢ

Nhìn trên bức tranh tổng thể, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 3% so cùng kỳ. Tuy nhiên, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đặc biệt là Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để ổn định sản xuất, một số doanh nghiệp đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, chủ yếu là hỗ trợ ngoài lương, với mức cụ thể như: Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Bao bì Thành Thành Công hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/14 ngày và  2.000.000 đồng/người/28 ngày ngoài lương; Công ty TNHH T.C. Union Việt Nam hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày ngoài lương và phụ cấp; Công ty cổ phần Sản xuất trái cây Hùng Phát hỗ trợ 2.000.000 đồng/người ngoài lương; Công ty TNHH Nam of London hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày ngoài lương; Công ty TNHH MTV LiChuan Food Products Việt Nam hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày ngoài lương và phụ cấp 500.000 đồng/người; Công ty TNHH Royal Can Industries Việt Nam hỗ trợ 95.000 đồng/người/ngày; Công ty TNHH Đại Thành hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày ngoài lương…

Chủ động liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của một số lĩnh vực, ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19. Đồng thời, về phía doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, chủ động tìm giải pháp lâu dài để tự tháo gỡ khó khăn; tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để ổn định sản xuất.

Đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn trước ảnh hưởng của tình hình dịch Covid 19; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, giãn, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

ANH PHƯƠNG

.
.
.