.

Mở thêm "luồng xanh" lưu thông hàng hóa

Cập nhật: 09:26, 22/07/2021 (GMT+7)

Bên cạnh “khai thông” các chốt kiểm soát phòng chống dịch để lưu thông hàng hóa bằng đường bộ một cách thông suốt, việc đưa vào vận hành vận tải hàng hóa bằng đường thủy được xem là mở thêm “luồng xanh” để đảm bảo cung ứng hàng hóa một cách tốt nhất cho các tỉnh, thành khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do tác động của dịch Covid-19.

LỢI ÍCH KÉP

20 tấn hàng hóa đầu tiên đã được xuất bến tại Tiền Giang và điểm đến là TP. Hồ Chí Minh thông qua tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenlines DP) vào sáng 19-7. Tổng Giám đốc Greenlines DP Trần Song Hải cho biết, công ty sẽ vận chuyển hàng hóa theo sự điều động của Sở Công thương Tiền Giang, Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh.

Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng tàu cao tốc đến TP. Hồ Chí Minh
Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng tàu cao tốc đến TP. Hồ Chí Minh

Tùy theo nhu cầu thực tế, công ty sẽ điều các tàu cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây để vận chuyển hàng hóa. Kế hoạch vận tải của công ty là hoạt động 2 chiều gồm các mặt hàng thiết yếu, y tế, các hàng hóa cần thiết cho các tỉnh và ngược lại là rau, củ quả, cũng như các mặt hàng thiết yếu mà các tỉnh cung ứng.

Đồng thời, các doanh nghiệp thông qua Sở Công thương các tỉnh sẽ đóng gói bao bì hàng hóa để công ty giao hàng theo cách không tiếp xúc. Đội bốc xếp chuyên nghiệp sẽ bốc xếp lên tàu và sau đó khử khuẩn đảm bảo theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế nhằm tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, tất cả nhân viên của tàu đã được tiêm ngừa vắc xin đợt 1 trước khi công ty thực hiện vận hành chuyến tàu và test nhanh SARS-CoV-2.

Kết nối cung cầu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ trên địa bàn tỉnh, mà còn đối với các tỉnh, thành trong khu vực là mục tiêu đặt ra hiện nay, nhất là khi nhu cầu tăng cao do tất cả các tỉnh trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo mục tiêu này, nhiều “luồng xanh” đã và đang được kích hoạt.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đặng Văn Tuấn đánh giá, một trong những nguyên nhân thiếu hàng hóa cục bộ vừa qua là tâm lý dự trữ hàng của người dân và yếu tố vận chuyển gặp trở ngại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tuy nhiên, hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, lượng hàng hóa cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua trên 100 tấn/ngày. Qua đó, hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân tỉnh nhà, cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Việc mở thêm kênh vận chuyển bằng đường thủy mang lại nhiều lợi ích kép: Giảm tải cho đường bộ, tăng cường chuỗi cung ứng nông sản cho người dân TP. Hồ Chí Minh, tìm đầu ra nông sản cho người dân Tiền Giang nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Đồng chí Đặng Văn Tuấn cũng cho biết thêm, một ít khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa hiện nay là thiếu các mặt hàng rau (cải, rau ăn lá…) do nhu cầu tăng đột biến nên sản xuất không kịp. Trong khi đó, một số loại rau hiện nay (rau mùi, rau thơm, rau nêm…) lại khó tiêu thụ. Trong thời gian tới, các chuyến hàng đi sẽ tập trung vận chuyển các loại rau, củ, quả dự trữ được lâu như: Dưa hấu, khóm, thanh long, khoai… và ngược lại là các mặt hàng, sản phẩm thế mạnh của TP. Hồ Chí Minh.

Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho ngành Công thương bình ổn giá cả thị trường. “Riêng đối với các điểm tập kết nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay đã và đang tập trung mạnh mẽ thông qua các hợp tác xã, đơn vị thu mua. Các kênh thu mua nông sản hiện diễn ra thuận lợi, ổn định và giao thương luôn được đảm bảo” - đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm.

 ĐẢM BẢO PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Liên quan đến các vấn đề đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến thủy nội địa, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Văn Bon đã yêu cầu các phương tiện phải đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông thủy trong quá trình lưu thông, hạn chế tốc độ phương tiện khi lưu thông trên kinh Chợ Gạo, tránh gây sạt lở bờ kinh.

Các phương tiện phải hết sức lưu ý khi lưu thông đảm bảo đèn chiếu sáng, đèn còi tín hiệu của tàu cao tốc, cảnh giới khi phương tiện đi qua các khu vực mật độ đông phương tiện, khu vực có công trình vượt sông, kinh có nhiều phương tiện nhỏ… Phương tiện phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định của cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Nghiên cứu nhiều mô hình để ổn định sản xuất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài các khu, cụm công nghiệp đã đi vào nền nếp; đồng thời, tỉnh cũng đang nghiên cứu nhiều mô hình để làm sao duy trì sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, đặc biệt là tiêu thụ hàng hóa nông sản.
 Sự kiện khai trương địa điểm để kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác mang lại nhiều ý nghĩa. Lãnh đạo tỉnh cũng rất mong muốn sự hợp tác này được duy trì ổn định, thường xuyên nhằm giúp cho nông dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thị trường ổn định, duy trì được sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Bởi, nông sản là lĩnh vực có thể nói là dễ bị tổn thương nhất. Hàng nông sản sản xuất ra tiêu thụ không được sẽ gây khó khăn cho nông dân. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu một số mô hình như chợ 0 đồng hoặc bán với giá rất “phải chăng” nhằm hỗ trợ cho những đối tượng còn khó khăn để họ ổn định cuộc sống.

Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Công ty TNHH Greenlines DP chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thuyền trưởng, thuyền viên đảm bảo đủ điều kiện phòng, chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị chỉ cho phép hoạt động khi đơn vị vận tải đáp ứng các yêu cầu về an toàn của phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên có đủ điều kiện phòng, chống dịch theo quy định mới được tham gia vận chuyển.

Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, chỉ cử 1 thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ (thuyền viên này phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế), các thuyền viên khác không được lên bờ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và thực hiện các thủ tục cảng vụ online tại các cảng, bến thủy nội địa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện từ các cảng, bến thủy nội địa qua tỉnh Tiền Giang đi thẳng không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, phải thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước khi khởi hành chuyến mới.

“Đặc biệt, khi các phương tiện lưu thông trên tuyến, ngành đề nghị lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát trên tuyến tạo điều kiện thuận lợi để phương tiện rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”- đồng chí Trần Văn Bon cho biết thêm.

NHÓM PV

.
.
.