.

Các địa phương tự xây dựng phương thức sản xuất '3 tại chỗ' cho phù hợp

Cập nhật: 16:47, 12/08/2021 (GMT+7)

Trong thời gian qua, căn cứ vào các hướng dẫn của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực tế địa phương, một số tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo sản xuất như hình thức sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”.

Thời gian vừa qua, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đã ban hành các văn bản phòng, chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh gồm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ Y tế.

Các hướng dẫn tại các Quyết định trên có quy định “Trên cơ sở hướng dẫn này và diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chính quyền các cấp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và đảm bảo an toàn sản xuất”. 

Tuy nhiên tại một số địa phương việc áp dụng mô hình phòng, chống dịch tương tự chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. 

b

Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài có nhà máy tại đường số 5, khu công nghiệp Việt Nam –Singapore II (Phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. Ảnh: TTXVN phát.

Để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh; ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản số 6565/BYT-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, căn cứ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và đặc biệt dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch và phương án phòng, chống dịch của các đơn vị trên địa bàn đảm bảo vừa an toàn phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị tránh chồng chéo (không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh) để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn tại các Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 và Công văn số 5886/BYT-MT ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế đảm bảo không gây ùn tắc và tạo điều kiện cho đơn vị vận chuyển hàng hóa.

Chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn tại Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ Y tế xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8, về việc giải quyết những bất cập của sản xuất “3 tại chỗ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây vẫn là một phương thức sản xuất tốt. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra một số khó khăn trong việc áp dụng tại các tỉnh phía Nam.   

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng phương án đã áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn. “Đặc điểm khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn, còn ở phía Nam đông hơn. Ở miền Nam người lao động đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Áp dụng 3 tại chỗ lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tại TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, chuỗi cung ứng, logistics, vận tải bị đứt gãy sớm do dịch nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.

Từ những yếu tố trên, Bộ Công Thương đã gửi đề xuất sang Bộ Y tế để bàn cách tháo gỡ, trong đó có nhấn mạnh đến việc đưa ra điều kiện sản xuất để doanh nghiệp dễ thực hiện hơn. “Chúng tôi cũng có đề xuất kiến nghị sửa đổi về điều kiện sản xuất, trong điều kiện có việc nếu phát hiện F0 thì phải thực hiện thế nào, quy định ra sao”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Theo TTXVN

.
.
.