.

Tập trung thu hoạch lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 19:43, 27/08/2021 (GMT+7)
Nhân dân tỉnh Long An thu hoạch lúa hè thu.
Nhân dân tỉnh Long An thu hoạch lúa hè thu.

Vụ hè thu năm nay vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống 1,51 triệu ha. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch được 920 nghìn ha, đạt 60% diện tích với năng suất hơn 57 tạ/ha. Với 590 nghìn ha còn lại, các địa phương đang tập trung khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phấn đấu thu hoạch nhanh, gọn, đề phòng mưa gió gây thiệt hại.

Hiện nay, giá lúa tươi tại các địa phương ĐBSCL có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7. Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Lê Thanh Tùng cho biết, lúa dùng cho chế biến có giá từ 5.000 đến 5.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 5.500 đến 6.200 đồng/kg, lúa thơm từ 6.200 đến 6.600 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, nông dân vẫn có lãi.

Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970), thời gian qua, các địa phương tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ theo mức độ nguy cơ dịch Covid-19; có chính sách ưu tiên doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vắc-xin; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.

Mặc dù vậy, do diện tích lúa hè thu còn nhiều cộng với việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đang khiến việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn do một số địa phương thiếu máy gặt đập liên hợp; một số doanh nghiệp, nhà máy thu mua, chế biến lúa gạo tạm dừng hoạt động. Tỉnh Sóc Trăng hiện đã thu hoạch được 21,6 nghìn ha trên tổng số 141 nghìn ha. Hiện tại máy gặt đập liên hợp để thu hoạch do các địa phương đã chủ động nên đáp ứng tạm đủ nhu cầu.

Tuy nhiên, do giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển khó khăn, nông dân bị thương lái ép giá hoặc không tiêu thụ được trong khi sản lượng rất lớn. Ngoài ra, một số nơi thuộc "vùng đỏ" gặp khó khăn trong việc điều tiết phương tiện thu hoạch, thu mua, vận chuyển; một số diện tích vẫn chưa được thương lái đặt cọc thu mua nguy cơ ảnh hưởng đến tiêu thụ. Hơn nữa, các doanh nghiệp thu mua lúa hiện đang gặp khó, nguồn nhân công khan hiếm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc hợp tác xã Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), Trương Văn Hùng cho biết, "vụ hè thu năm nay do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất tại địa bàn. Diện tích lúa vụ này hơn 600 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 50%. Do giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không xuống thu mua nên các thành viên hợp tác xã phải bán cho thương lái với giá thấp hơn từ 100 đến 200 đồng/kg".

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Đinh Thị Phương Khanh cho biết, trên địa bàn còn hơn 80.000 ha lúa hè thu đang thu hoạch. Mặc dù giá lúa tươi bán tại ruộng thấp hơn cùng kỳ năm 2020 nhưng tiêu thụ vẫn chậm do không có thương lái thu mua. Trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở chế biến và xuất nhập khẩu nhưng chỉ thu mua cầm chừng do lượng tồn kho nhiều. Từ ngày 23/8 tỉnh Long An áp dụng thêm một số biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, nên cũng ảnh hưởng đến việc thu hoạch cũng như thu mua lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, những ngày cuối tháng 8, nông dân trên địa bàn thu hoạch thêm khoảng 40.000 ha lúa hè thu. Trong tháng 9, sẽ thu hoạch 184 nghìn ha lúa hè thu, thu đông với sản lượng gần 1,1 triệu tấn, trong đó 700.000 tấn cần phải vận chuyển tiêu thụ.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với Quân khu 9 bàn kế hoạch hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh. Đồng thời đề nghị Quân khu 9 hỗ trợ nhân dân vận chuyển lúa gạo, nông sản. Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong tỉnh thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản đi tiêu thụ khi địa phương có nhu cầu.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Trương Kiến Thọ, vụ hè thu này toàn tỉnh còn hơn 25 nghìn ha lúa chưa thu hoạch, dự kiến đến đến cuối tháng 8 sẽ thu hoạch cơ bản xong. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, tỉnh đã chủ động phối hợp ba địa phương là: Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ về tìm giải pháp tiêu thụ lúa.

Đồng thời, tỉnh mời gọi một số doanh nghiệp lớn tăng cường thu mua lúa cho nhân dân. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị bổ sung hạn mức tín dụng khẩn 2.500 tỷ đồng để cùng các đối tác liên kết thu mua 614.000 tấn lúa. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đăng ký thu mua 300.000 tấn.

Để khắc phục những khó khăn trên, theo Tổ công tác 970 thì các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân công, máy móc nhanh chóng thu hoạch lúa hè thu để khẩn trương xuống giống lúa thu đông theo lịch thời vụ. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ nông sản được thuận lợi nhưng phải tuân thủ quy định về phòng dịch.

Tăng cường vai trò của các hợp tác xã, kết nối cung cầu để tiêu thụ lúa, gạo trong thời gian tới; rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất trong tình hình hiện nay và có tính toán đến thời gian bình thường mới. Đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất lúa; những địa phương đã cơ bản thu hoạch xong đưa máy gặt đập liên hợp để giúp đỡ các địa phương đang thu hoạch rộ lúa hè thu.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.