.

Tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL, cần tạo thuận lợi cho hoạt động thu mua

Cập nhật: 19:54, 04/08/2021 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến đề xuất Chính phủ triển khai chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo quốc gia. Song, theo những người trong ngành, vấn đề chủ yếu không nằm ở giải pháp mua tạm trữ quốc gia mà là tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước, doanh nghiệp, thương lái... thu mua lúa gạo của nông dân dễ dàng.

Tiêu thụ lúa gạo cho ĐBSCL, vấn đề có phải mua tạm trữ? Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Tiêu thụ lúa gạo cho ĐBSCL, vấn đề có phải mua tạm trữ? Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây cho biết tổng sản lượng gạo các tỉnh phía Nam trong tháng 8 này dự kiến đạt 2,022 triệu tấn, trong đó, có 1,12 triệu tấn gạo hàng hoá; sang tháng 9-2021, tổng sản lượng gạo là 2,51 triệu tấn, trong đó, có 1,6 triệu tấn gạo hàng hoá.

Thống kê của Cục Trồng trọt còn cho thấy đến ngày 22-7 đối với vụ hè thu 2021, vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,5 triệu héc ta, đã thu hoạch được 483.000 héc ta với năng suất 5,86 tấn/héc ta. Như vậy, còn trên 1 triệu héc ta lúa đang chờ thu hoạch với sản lượng dự kiến đạt gần 6 triệu tấn (tính năng suất 5,86 tấn/héc ta).

Sản lượng lúa còn khá lớn, trong khi việc tiêu thụ thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Chính vì vậy, tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hôm 3-8, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất có ý kiến với Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa gạo vào kho dự trữ quốc gia.

Theo ông Nam, việc mua tạm trữ nhằm để kích cầu, giúp nông dân yên tâm sản xuất, bởi họ đang rất bi quan, không biết có nên tiếp tục xuống giống vụ thu đông 2021 hay không.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng ảnh hưởng từ việc lưu thông đến thu hoạch và mua bán lúa gạo chỉ là một yếu tố. “Yếu tố ảnh hưởng lớn hơn là do khách hàng mua gạo ở các quốc gia khác đã giảm sút khá nhiều, làm cho xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm ở hiện tại và cả tương lai”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, đầu ra của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu không nhiều nên hầu như các kho đều ngưng mua. “Kho ngưng mua thì thương lái đi mua lúa của nông dân về bán cho ai?”, ông Bình nêu câu hỏi.

Ông Bình cho rằng việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mua tạm trữ lúa gạo trong lúc này là phù hợp. “Cái chính là để nông dân bán được lúa, có tiền trang trải nợ và chuẩn bị vật tư cho xuống giống vụ mới”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, đề xuất là đúng, nhưng khả năng không khả thi vì muốn doanh nghiệp mua tạm trữ thì phải được ngân hàng cho vay vốn. “Việc này phải có chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, chứ nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hoặc kêu gọi thì không xong”, ông nói.

Ông Bình cho rằng Chính phủ phải ra chỉ thị hoặc chỉ đạo các ngân hàng cho doanh nghiệp vay thêm vốn ngoài hạn mức ngân hàng đã mở cho doanh nghiệp để họ tự nguyện mua lúa gạo tạm trữ trong lúc nông dân không bán được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm lãi, lỗ trong kinh doanh”, ông nói.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho rằng trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mua lúa tạm trữ trong dân để kích cầu, nâng giá cũng là điều tốt.

Tuy nhiên, ông Khoa đặt câu hỏi, sẽ triển khai thực hiện theo phương án nào, lộ trình rao sao, đi thu mua thế nào…, bởi, không phải nói mua là lúa tự động chạy về kho được.  “Ví dụ, liên quan vấn này thì cắt lúa phải có nhân công đi cắt, phương tiện là ghe hoặc xe, rồi thương lái đi thu mua, trong khi kiểm soát dịch bệnh, đi lại không được, thì làm sao thu mua”, ông nói.

Mặt khác, theo ông Khoa, nếu thu mua đưa vào kho tạm trữ quốc gia thì thực tế thời gian qua các kho chỉ thu mua loại IR 50404, trong khi người dân hiện nay sản xuất nếp, lúa thơm rất nhiều, "sẽ giải quyết ra sao?", ông nêu câu hỏi.

Theo ông Khoa, mấu chốt để giải quyết vấn đề hiện nay, đó là Nhà nước phải tạo điều kiện để cho thương lái, phương tiện thu mua đi lại dễ dàng, nhân công đi làm trong các nhà máy cũng thuận lợi, thì mới kích gia tăng tiêu thụ, kéo giá lúa lên. “Chỉ cần tạo điều kiện thôi, chứ cũng không cần phải thu mua tạm trữ gì hết”, ông Khoa nhấn mạnh và cho rằng nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu mua tạm trữ thì các kho lương thực của Nhà nước phải vào cuộc thu mua.

Tuy nhiên, những đơn vị này cũng phải cho nhân công đi các nơi thu mua, nhưng họ đi bằng cách nào với quy định kiểm soát dịch bệnh hiện nay?. “Còn nếu họ đi được thì thương lái của các kho tư nhân cũng đi được, cho nên, quan trọng là phải tạo thuận lợi cho thu mua, tự động giá lúa sẽ tăng lên”, ông Khoa nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.