.

Tiền Giang: Nông dân phát triển kinh tế, tăng hiệu quả sử dụng đất

Cập nhật: 07:53, 31/07/2021 (GMT+7)

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã vận động nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các chính sách về đất đai, tăng hiệu quả sử dụng đất, mà điển hình là Nghị quyết 19 ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (viết tắt là Nghị quyết 19) đã mang lại hiệu quả thiết thực.

HIỂU CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI

Theo Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, để Nghị quyết 19 đến được các cơ sở và cán bộ, hội viên nông dân, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức triển khai ở cấp mình; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân.

Việc tuyên truyền được thực hiện kết hợp với hình thức phong phú, đa dạng, để nông dân hiểu và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là việc đồng tình giải tỏa để Nhà nước thực hiện các dự án, khu, cụm công nghiệp.

Mỗi thửa đất, mảnh ruộng được nông dân sử dụng hợp lý để canh tác nông nghiệp, không lãng phí tài nguyên đất.
Mỗi thửa đất, mảnh ruộng được nông dân sử dụng hợp lý để canh tác nông nghiệp, không lãng phí tài nguyên đất.

Cùng với đó, Hội chỉ đạo duy trì Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở; tham gia hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; đồng thời, làm tốt công tác tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ Hội, các tuyên truyền viên, hòa giải viên, hội viên, nông dân cơ sở.

Thông qua các cuộc tuyên truyền, tập huấn, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân có sự chuyển biến tích cực, hiểu biết chính sách, pháp luật nói chung, lĩnh vực đất đai nói riêng được nâng lên, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện không đúng pháp luật, khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành Lê Văn Thọ cho biết: “Đa số nông dân chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đất đai rất tốt. Họ rất quý đất đai, thường sử dụng hết diện tích đất của mình để sản xuất và luôn tìm cách để tăng năng suất sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, cũng còn một số nông dân còn tranh chấp nhỏ, chủ yếu về ranh đất hoặc sử dụng đất chưa đúng mục đích.

Thông qua kiến thức được tập huấn từ cấp trên, chúng tôi về tuyên truyền vận động cũng như phát huy vai trò của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở, giúp nông dân nắm rõ các chính sách về đất đai, đa phần hợp tác tốt với Nhà nước khi có chủ trương liên quan đến đất đai".

ĐỂ KHAI THÁC HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN ĐẤT

Để giúp nông dân phát triển kinh tế, tăng hiệu quả sử dụng đất, các cấp Hội đã đẩy mạnh phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, để phát huy giá trị của tư liệu sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và làm giàu bền vững. Theo Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, bình quân hằng năm hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi chiếm khoảng 73% và có trên 65% hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp.

Phong trào đã góp phần vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất lớn theo chuỗi giá trị; đồng thời, đã phát huy được tiềm năng đất đai.

Phong trào đã chú trọng phát động và tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình sản xuất lớn trong sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích canh tác, luân canh tăng vụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Nhờ vậy, đất đai được sử dụng không bỏ hoang phí, mỗi thửa đất, mảnh ruộng của các hộ nông dân đều được sử dụng hợp lý để canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc vận động nông dân thi hành chính sách, pháp luật về đất đai như: Việc áp giá đền bù đất có đôi khi chưa thỏa đáng làm cho nông dân không đồng thuận nên người dân còn khiếu kiện, làm cho việc vận động gặp khó khăn.Vẫn còn một số ít nông dân chưa sử dụng hiệu quả đất đai, không chí thú làm ăn vì vậy đất còn bị lãng phí, chưa khai thác được hết tiềm năng của đất hoặc ngược lại khai thác đất triệt để mà không có kế hoạch tái tạo…

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Hồng Phượng cho rằng, Hội Nông dân tỉnh đã kiến nghị cấp trên, nhất là các ngành liên quan có giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại trên. Đồng thời, cũng kiến nghị cấp trên, các ngành liên quan chú trọng việc áp giá đền bù có mức giá thỏa đáng ngay từ đầu, tránh trường hợp thay đổi giá nhiều lần khi có khiếu nại, gây khó khăn cho công tác vận động.

Cùng với đó là nhanh chóng triển khai các dự án đã quy hoạch, tránh trường hợp quy hoạch quá lâu mà không thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân hoặc để đất hoang lãng phí; tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật công nghệ cao, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để làm tăng giá trị đất.

Trên thực tế qua quá trình đô thị hóa, đất dành cho nông nghiệp ngày thu hẹp nên cần phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị. Các cơ quan chức năng các cấp cần nghiên cứu về việc khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất cho nông dân, nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.

HOÀI THU

.
.
.