.

Nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 15:32, 18/09/2021 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản hậu dịch Covid-19.

Ưu tiên tiêm vaccine Covid-19, giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”, khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến…, là những nội dung được nhiều đại biểu đề xuất tại hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 17-9.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, trong ngành thủy sản, hiện chỉ có 30%-40% doanh nghiệp đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội; số doanh nghiệp còn lại rất khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục sản xuất. Nguyên nhân là do chi phí tái sản xuất tăng rất cao, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng vì thời gian giãn cách quá lâu… Ông Nam đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần mau chóng có hướng dẫn, quy định rõ ràng cho các doanh nghiệp khi tái đầu tư, phục hồi sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản hậu dịch Covid-19, nhất là kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách để đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định.

Cùng ngày, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai phòng chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trồng trọt và thủy sản, đảm bảo duy trì sản xuất, ổn định nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm là rất quan trọng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, cần khẩn trương phục hồi sản xuất trong tình hình mới. Vì vậy, các địa phương phải sớm triển khai kế hoạch sản xuất, đảm bảo được mục tiêu về lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.