.

Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

Cập nhật: 16:54, 15/09/2021 (GMT+7)

 

a
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI)

Phong tỏa, giãn cách kéo dài sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn xã hội. Nếu kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, dự báo GDP năm 2021 có thể tăng 3,5 đến 4%.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2021 phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 3,5 - 4%

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, kéo theo những ảnh hưởng về tình hình lao động, việc làm. Tình hình thành lập doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng chịu nhiều tác động.

Cùng với đó, nguồn lực dành cho công tác chống dịch rất lớn, ảnh hưởng đến thu - chi ngân sách.

Bộ trưởng nhận định: “Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9 và bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới vào quý IV, dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam có thể đạt 3,5% đến 4%”. Mặc dù là mức tăng trưởng thấp hơn so mục tiêu đề ra 6,5% nhưng trong bối cảnh các nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đây là con số khá ấn tượng.

Cơ sở để đưa ra dự báo nói trên là hoạt động xuất khẩu cả năm có thể tăng 10%, thu ngân sách có thể vượt dự toán. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn và quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là từ các địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khả năng dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, phức tạp, khó lường, nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với đại dịch. Tại Việt Nam, nếu phong tỏa, giãn cách kéo dài sẽ để lại hậu quả rất nặng nề về kinh tế-xã hội.

Nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2022 và không đồng đều giữa các quốc gia. Tốc độ phục hồi kinh tế phụ thuộc vào độ phủ tiêm chủng vaccine để mở cửa trở lại.

Trật tự thương mại, cơ cấu đầu tư sẽ có sự thay đổi và chuyển dịch, kể cả chuỗi sản xuất và cung ứng. Việt Nam cần nhận diện tình hình để tận dụng các cơ hội và hạn chế rủi ro.

Hiện nay, một số cơ quan đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể đạt khoảng 6% - 6,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, tập trung vào các ngành và lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế, bảo đảm triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư

Tại hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng đồng bằng sông Hồng và trung du và miền núi Bắc Bộ vừa tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Trong tình hình khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, ứng xử của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó, các địa phương cần đồng hành, sẵn sàng tháo gỡ, lắng nghe doanh nghiệp, không ban hành những quy định hành chính gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp và xã hội là điều quan trọng nhất lúc này để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.

Bộ trưởng lưu ý, mặc dù một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và trung du và miền núi Bắc Bộ có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng còn một số vấn đề. Đáng lưu ý là tình trạng phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI và phụ thuộc vào 1-2 doanh nghiệp lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Theo Bộ trưởng, các địa phương có thể duy trì các nhà đầu tư chiến lược nhưng phải đa dạng các lĩnh vực đầu tư và nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào một nhà đầu tư, một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ.

Bộ trưởng đề nghị, lãnh đạo các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.

Kiến nghị các giải pháp và chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt, tập trung vào khả năng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm.

Dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, khắc phục các tác động của dịch bệnh Covid-19, các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội…

Các địa phương cần tận dụng, bắt kịp đà phục hồi của một số nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Cơ cấu lại nhanh nền kinh tế, tiếp tục thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, thêm yếu tố đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đây là những nội dung cần thiết để đóng góp cho Đề án xây dựng nền kinh tế tự chủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.