.

Thủ tướng sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 26-9

Cập nhật: 09:59, 25/09/2021 (GMT+7)

Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, sẽ được tổ chức vào sáng ngày 26-9-2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị được thực hiện theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh sống chung với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ giao VCCI chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức Hội nghị với nội dung chủ yếu: Báo cáo về tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, các khó khăn, vướng mắc và các đề xuất giải pháp, kiến nghị đột phá; Báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có các thành viên Thường trực Chính phủ cùng các đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp... theo hình thức trực tiếp, đồng thời truyền trực tuyến từ đầu cầu chính được đặt tại Văn phòng Chính phủ tới 63 đầu cầu trên cả nước.

Hiện nay, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Theo số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 do Tổng cục Thống kê công bố, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới.

Cụ thể, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2020.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam (Ảnh: M.P)
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam (Ảnh: M.P)

Theo tổng hợp của VCCI, tính đến thời điểm 15h ngày 24/09/2021, VCCI đã nhận báo cáo và kiến nghị của hơn 100 Hiệp hội doanh nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp liên quan đến ứng phó dịch bệnh COVID-19. Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo và kiến nghị, VCCI cũng sẽ có một Báo cáo tổng hợp về tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ.

Hội nghị sẽ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là thể hiện quyết tâm vượt khó, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, không “than nghèo, kể khổ”. Quyết tâm của Chính phủ là đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Không để kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chống dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh và ổn định dân sinh.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.