Tiền Giang: Khởi động cho những ngày bình thường mới
Sau những ngày đầu TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tại các siêu thị, cửa hàng được phép hoạt động, lượng hàng hóa đã về nhiều, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu người dân.
Các đơn vị kinh doanh lớn như: Co.opmart, hệ thống Bách Hóa Xanh, các cửa hàng tiện ích… đã chuẩn bị nguồn hàng và các phương án phòng dịch an toàn nhằm hướng đến phục vụ khách hàng trong những ngày bình thường mới sắp tới.
SẴN SÀNG PHỤC VỤ
Ghi nhận thực tế tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP. Mỹ Tho cho thấy, lượng khách đến mua sắm vắng hơn, sức mua người dân giảm dần, các gói hàng theo đơn đặt hàng cũng ít. Khách hàng chủ yếu vẫn mua nhu yếu phẩm, các mặt hàng hóa phẩm, may mặc vẫn còn tiêu thụ khá chậm và không còn tình trạng ồ ạt mua sắm trước đây.
Các đơn vị kinh doanh hàng hóa đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú để phục vụ nhu cầu khách hàng. |
Hàng hóa được đưa lên kệ dồi dào, đầy đủ; các mặt hàng tươi sống như: Rau, củ, quả, thịt, cá, giá ổn định, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, từ lúc dịch bùng phát mạnh đến nay, đa số khách hàng khi mua sắm đã tự ý thức, chủ động bảo vệ mình theo khuyến cáo 5K.
Đánh giá tình hình tiêu thụ hàng hóa gần đây, Giám đốc Co.opmart Mỹ Tho Trần Chánh Vĩnh cho biết, từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay, kế hoạch dự trữ, nguồn cung hàng hóa tại Co.opmart được thực hiện khá ổn định, mặc dù cũng có thời điểm bị thiếu hụt cục bộ, đặc biệt là rau xanh và thịt heo, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Ngày 21-9, ngày đầu tiên TP. Mỹ Tho thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Mỹ Tho ban hành Công văn 3942 về thực hiện phương án giao thông và cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 21 đến 30-9. Theo đó, đối với khu vực I (gồm: Phường 2, phường 3, phường 8), các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động bao gồm: Các cửa hàng tiện lợi, tiện ích; cửa hàng tạp hóa; cửa hàng kinh doanh gạo, thực phẩm, nước uống đóng chai; các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế; thuốc chữa bệnh; xăng dầu, nhiên liệu, gas; vật tư thiết bị ngành điện; dịch vụ mai táng; dịch vụ thu gom xử lý chất thải… kèm theo các điều kiện về phòng, chống dịch. Đối với khu vực II (gồm các xã, phường còn lại), các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động bao gồm: Các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; công trình giao thông, công trình xây dựng và dừng kinh doanh các dịch vụ ăn uống, giải khát, kèm theo các điều kiện hoạt động. |
Tại thời điểm này, hàng hóa về rất phong phú và đa dạng, đầy đủ các nhu yếu phẩm và khá dư hơn so với kế hoạch dự trữ. Một số sản phẩm giá tăng nhẹ do phát sinh chi phí vận chuyển, nhân công... Tuy nhiên, siêu thị cam kết thực hiện bình ổn giá kể từ khi dịch bùng phát đến nay, chỉ tăng vài ngàn đồng/kg, đa số là các mặt hàng trái cây, rau, củ…
Tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh, nhóm hàng rau, củ, thịt hiện được bố trí lên quầy, kệ đầy đủ, phong phú, khách hàng xếp hàng trật tự, thực hiện 5K, kiểm tra thân nhiệt, điều phối khách hàng từ xa, bảo đảm giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Quản lý bán hàng khu vực TP. Mỹ Tho của hệ thống Bách Hóa Xanh Nguyễn Thanh Lâm cho biết, 13 cửa hàng Bách Hóa Xanh đã hoạt động bình thường trở lại.
Hiện nay, Bách Hóa Xanh đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ cho các cửa hàng trong thành phố, hàng hóa về 3 lần/tuần, mỗi lần nhập 2 - 4 tấn hàng. Nhìn chung, giá nhiều mặt hàng đang bình ổn, sắp tới sẽ có chương trình khuyến mãi theo từng mặt hàng. Những mã hàng tạm đứt quãng trước đó cũng đã có trở lại, đạt khoảng 80%.
ĐẢM BẢO KHƠI THÔNG HÀNG HÓA
Liên quan đến tình hình hoạt động của các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sau khi các địa phương thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là TP. Mỹ Tho, trao đổi với chúng tôi, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn đánh giá, những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách trước đây, người dân tập trung mua đông nhưng những ngày gần đây tình hình khá ổn định, sức mua của người dân có vẻ thấp do các điều kiện đi lại (phiếu đi chợ, địa phương khoanh vùng giãn cách...). Số lượng khách hàng đi mua sắm không đông, không có tình trạng đổ xô mua hàng tạm trữ, tình hình thị trường ổn định trở lại.
Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ (được phép hoạt động)…, lượng hàng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, hiện còn một số hộ, tiểu thương xung quanh các chợ ngưng hoạt động lại thuê các nhà lân cận để bày bán, tập trung đông người, không đảm bảo yêu cầu, nguyên tắc phòng, chống dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời, theo báo cáo từ các địa phương, tuy không có mặt hàng nào khan hiếm nhưng vẫn còn xuất hiện mặt hàng thiếu cục bộ do địa phương thực hiện giãn cách, song sau đó cơ bản được đảm bảo.
Đồng chí Đặng Văn Tuấn cũng cho biết thêm, thời gian qua Sở Công thương thực hiện các giải pháp đảm bảo lượng lưu thông hàng hóa, vừa kiểm tra các điều kiện bán hàng của người dân, yêu cầu các địa phương chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch, đặc biệt tại các chợ (tập trung bán hàng thiết yếu).
Vừa qua, Sở Công thương cũng tổ chức nhiều đợt lấy hàng siêu thị, nhà phân phối để hỗ trợ đưa về các địa phương. Ngoài ra, nhiều mô hình hay cũng đã được địa phương triển khai như đi chợ hộ, nhờ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu cấp thiết cho người dân. Trong khả năng cho phép, các cấp chính quyền đã và đang rất nỗ lực đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu người dân, tiếp tục bám sát tình hình và tiếp nhận những thông tin để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp trong sản xuất và lưu thông hàng hóa thiết yếu.
ANH PHƯƠNG - TUẤN LÂM