Yếu tố nào giúp Long An và Tiền Giang dẫn đầu về xuất khẩu ở ĐBSCL?
Tổng kim ngạch xuất khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 6 tháng đầu năm nay đạt 10,37 tỷ USD, tăng 22,04% so với cùng kỳ, trong đó, Long An và Tiền Giang là hai địa phương có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu của vùng này. Yếu tố nào giúp hai địa phương này có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu như vậy?
Kim ngạch xuất nhập khẩu các địa phương ĐBSCL. Nguồn ảnh: VCCI Cần Thơ |
Trong báo cáo “Động thái doanh nghiệp ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2021” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ thực hiện và công bố mới đây cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ĐBSCL 6 tháng đầu năm nay đạt 16,78 ty3 USD, tăng 28,17% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 10,37 tỷ USD, tăng 22,04% và nhập khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 39,55% so với cùng kỳ.
Xét theo từng địa phương, thì vùng ĐBSCL có 5 địa phương có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm Long An (6,23 tỷ USD, tăng 30,38%); Tiền Giang (3,02 tỷ USD, tăng 31,59%); Bến Tre (1,181 tỷ USD, tăng 46,86%); Cần Thơ (1,03 tỷ USD, tăng 19,4%) và Đồng Tháp là 1,02 tỷ USD, tăng 47,74% so với cùng kỳ.
Báo cáo nêu trên của VCCI chi nhánh Cần Thơ cho thấy, Long An và Tiền Giang là hai địa phương có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu vùng ĐBSCL, mà cụ thể 6 tháng đầu năm nay, Long An xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 22,53% và Tiền Giang là 1,89 tỷ USD, tăng 30,07% so với cùng kỳ năm ngoái.
Câu hỏi được đặt ra, đó là yếu tố nào đã giúp Long An và Tiền Giang có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu của vùng ĐBSCL?
Báo cáo “Động thái doanh nghiệp ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2021” cho rằng, kết quả có được như nêu trên là do thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Long An và Tiền Giang những năm qua cao. Bởi, nhờ vào lợi thế gần TP. Hồ Chí Minh và có hạ tầng khu công nghiệp, giao thông kết nối khá tốt so với các địa phương còn lại.
Theo đó, luỹ kế tính đến tháng 6-2021, vùng ĐBSCL thu hút được 1.814 dự án còn hiệu lực (chiếm 5,37% số dự án cả nước- 33.787 dự án) với tổng vốn đầu tư là 33,314 tỷ USD chiếm 8,37% tổng vốn FDI cả nước- 397,887 tỷ USD. Trong đó, Long An là tỉnh có số dự án thu hút FDI nhiều nhất vùng với 1.256 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,006 tỷ USD và Tiền Giang xếp thứ hai về số dự án với 129 dự án, có tổng vốn là 2,752 tỷ USD.
(Theo thesaigontimes.vn)
Báo cáo động thái doanh nghiệp ĐBSCL là báo cáo nghiên cứu ngắn hạn, được VCCI Cần Thơ tiến hành xây dựng định kỳ 6 tháng/kỳ nhằm tổng hợp, ghi nhận và đánh giá các hoạt động kinh tế vùng. Đặc biệt, là những chuyển động trong nền kinh tế, xu hướng đầu tư, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn 13 địa phương ĐBSCL. Qua đó, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, giúp cung cấp thông tin cho lãnh đạo UBND các địa phương ĐBSCL về tình hình doanh nghiệp và là nguồn thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu về môi trường kinh doanh ĐBSCL. |