.

Phân bón tăng giá, nông dân thêm áp lực

Cập nhật: 10:28, 01/09/2021 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn.

Chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại thấp, tiêu thụ khó khiến nông dân đã khó càng thêm khó.

GIÁ PHÂN BÓN VẪN CAO

Thời điểm này, giá phân bón tăng cao đang là gánh nặng với nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua ghi nhận thực tế, hiện giá phân bón đang vẫn duy trì ở mức cao. Riêng phân urê có giá bán lẻ tăng gần gấp đôi so với năm trước. Giá một số loại phân bón khác cũng tăng cao khiến nông dân càng thêm khó khăn.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn.

Anh Thái Văn Trực (ngụ ấp Phú Quới, xã Yên Luông) cho biết, anh vừa mua 3 bao phân đạm Cà Mau với giá 630.000 đồng/bao 50 kg để bón cho ruộng lúa, giá tăng gần gấp đôi so với năm trước. Theo anh Trực, giá phân bón tăng mạnh và không giảm khiến chi phí đầu vào tăng cao nên ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận từ việc trồng lúa.

Tại khu vực phía Tây của tỉnh, giá phân bón tăng khiến nhiều nông dân trồng lúa, cây ăn trái gặp khó khăn. Ông Lê Văn Ngọc (ấp 5, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) cho biết, hiện giá phân đạm tăng gần gấp đôi so với cuối năm trước như đạm Cà Mau tăng từ 310.000 đồng lên 610.000 đồng/bao 50 kg; phân NPK, DAP tăng khoảng vài trăm ngàn đồng/bao 50 kg.

“Hơn 2 ha lúa OM 50404 của nhà tôi đang chuẩn bị thu hoạch. Vụ này, phân thuốc tăng quá cao, ước tính chi phí tăng khoảng 30% so với năm trước.Trong khi đó, giá lúa chưa tới 5.000 đồng/kg, vụ này lãi rất thấp” - ông Ngọc cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá nguyên liệu sản xuất phân bón, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường vật tư nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

DOANH NGHIỆP SẼ ĐIỀU CHỈNH GIẢM GIÁ

Theo ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (xã Trung An, TP. Mỹ Tho), từ đầu năm đến nay, giá phân bón urê tăng gần gấp đôi so với cuối năm rồi. Những loại phân còn lại như NPK, DAP, kali tăng từ khoảng 40% - 70%. Nguyên nhân phân bón tăng cao là do nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển đều tăng, thiếu hàng.

Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát dự kiến sẽ điều chỉnh giảm giá phân bón vào đầu tháng 9-2021.
Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát dự kiến sẽ điều chỉnh giảm giá phân bón vào đầu tháng 9-2021.

Theo ông Ửng, hiện giá phân bón dù đã giảm nhẹ, nhưng vẫn còn duy trì ở mức cao. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất, nâng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp (DN). Do đó, dự kiến trong đầu tháng 9-2021 này, công ty sẽ điều chỉnh giảm giá phân bón ít nhất khoảng 2%.

“Với việc ngân hàng hạ lãi suất, nâng hạn mức cho vay, dự kiến giá phân bón sẽ giảm ít nhất từ 2% - 3%. Khi đó, DN sẽ tích lũy được nguồn vốn, bởi khi công ty nhập hàng trả chậm, đối tác tính lãi suất 9%/năm. Còn khi ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, DN sẽ giảm được chi phí, từ đó nông dân sẽ tiếp cận được nguồn phân bón với giá thấp hơn. Dự đoán, giá phân bón có thể hạ nhiệt, nhưng giảm chưa nhiều do còn bị chi phối bởi thị trường thế giới” - ông Ửng cho biết thêm.

SỬ DỤNG PHÂN BÓN HIỆU QUẢ

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, phân bón chiếm khoảng 25% chi phí đầu vào của tùy loại cây, vùng trồng và chiếm đến 40% trong việc tăng năng suất cây trồng. Theo thống kê trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ sử dụng phân bón ở nước ta cao hơn so với trung bình thế giới, khoảng 560 kg/ha. Do đó, trong điều kiện phân bón tăng giá, nông dân càng cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

Nhìn lại việc sử dụng phân bón của nông dân ở tỉnh, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Tiền Giang, hiện vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Sử dụng dư thừa phân bón hay phun ngừa các loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn xảy ra một số nơi đã làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, để giúp người dân sử dụng hiệu quả phân bón, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất liên kết sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, có hiệu quả để áp dụng trên địa bàn, ứng dụng phân bón hữu cơ gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh giúp giảm sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất. Song song đó là vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, người sản xuất trên địa bàn dần chuyển dịch từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ...

TRỌNG ĐẠT

.
.
.