BÀI CUỐI: Trợ lực để vực dậy
BÀI 2: "Đứt gãy" chuỗi cung ứng
Sức tàn phá quá lớn của “bão” SARS-CoV-2 để lại hệ lụy không nhỏ đối với hầu hết lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có khối doanh nghiệp và chắc chắn rằng cần một thời gian dài nữa mới có khả năng phục hồi.
Các đòn bẩy về tín dụng, thuế giờ đây được xem là trợ lực quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tham gia lại thị trường vốn còn nhiều ngổn ngang.
Doanh nghiệp chuẩn bị để bắt đầu hoạt động trở lại. |
1. Đánh giá về tình hình thị trường tín dụng và việc triển khai các gói hỗ trợ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn từ giữa tháng 6 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nông dân và một số lĩnh vực tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, đời sống của nhân dân, trong đó có hoạt động ngân hàng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng về tổng thể hoạt động tiền tệ, tín dụng trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, góp phần ổn định kinh tế; tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; mặt bằng lãi suất ổn định, giảm mạnh nhằm hỗ trợ tích cực các thành phần kinh tế phục hồi sau dịch bệnh; giao dịch ngoại tệ và vàng ổn định.
Thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 của NHNN Việt Nam, đến ngày 31-8, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.447 khách hàng với lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23-1-2020 đạt 1.494 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 90.000 khách hàng, với dư nợ trên 27.761 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 32.493 tỷ đồng, với 3.671 khách hàng còn dư nợ. Lũy kế từ ngày 13-3-2020 đến ngày 31-8-2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng hơn 176 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của một số ngân hàng (cam kết giảm lãi suất từ ngày 15-7-2021 đến hết ngày 31-12-2021) lũy kế từ ngày 15-7-2021 đến ngày 31-8-2021 là hơn 38 tỷ đồng. Mặt khác, thực hiện cho vay người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, đến ngày 31-8, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tiền Giang đã giải ngân cho vay dư nợ 77 triệu đồng. |
Theo đồng chí Nguyễn Thị Đậm, thông qua nhiều giải pháp triển khai thực hiện nên các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đạt kết quả tích cực như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 tăng trưởng hơn 6,4%; cho vay xuất khẩu tăng hơn 19%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng hơn 1%; cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối hàng thiết yếu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với hạn mức tín dụng 70 tỷ đồng; cho vay các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tạm trữ lúa, gạo, không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng lúa, gạo do dịch bệnh Covid-19 với dư nợ chiếm hơn 10% tổng dư nợ toàn tỉnh; tín dụng chính sách tăng hơn 5,6%.
Thực hiện an sinh xã hội đứng hàng thứ 2/13 tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với số tiền hơn 10,6 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp chuẩn bị để bắt đầu hoạt động trở lại. |
Chuẩn bị ngày trở lại Khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh được UBND tỉnh Tiền Giang chính thức ban hành, cũng là lúc các đơn vị sản xuất, kinh doanh chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại. Trong những ngày này, người lao động ở Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) tất bật dọn dẹp, chuẩn bị hoạt động sau thời gian dài nghỉ bán để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Giám đốc HTX Vĩnh Kim Nguyễn Thành Sơn cho biết, vì sức khỏe người tiêu dùng, cũng như uy tín và thương hiệu, HTX mạnh dạn loại bỏ những mặt hàng không còn chất lượng sau thời gian dự trữ. Đi đôi với đó là công tác chuẩn bị cũng khá chu đáo, từ khâu vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn đến tiêm vắc xin cho người lao động và tất cả đã sẵn sàng để hoạt động trở lại ngay khi được lãnh đạo địa phương có chủ trương cho phép. Sau hơn 2 tháng tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, bà Trần Thị Luôn, Phó giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) cho biết, trong khi chờ đợi chủ trương mới, công ty bắt đầu kiểm tra, xem lại máy móc; đồng thời, cũng đã lên tiếng kêu gọi những công nhân làm việc trước đây chuẩn bị quay lại nhà máy. Tất cả đã sẵn sàng cho việc hoạt động, cũng như những đơn hàng mới. Đề cập về lộ trình khôi phục sản xuất cũng như những bài học kinh nghiệm vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, từ khi dịch xuất hiện và tác động đến nhiều khía cạnh đời sống xã hội, Tiền Giang cùng cả nước thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đến nay, Tiền Giang cơ bản kiểm soát được dịch, những “vùng xanh”, bình thường mới ngày càng rộng hơn. Tỉnh đang tính toán khôi phục sản xuất và đã ban hành kế hoạch chung. Riêng trong lĩnh vực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tỉnh cũng ban hành kế hoạch để các doanh nghiệp tổ chức kinh tế lựa chọn mô hình phù hợp. THÙY TRANG |
2. Bên cạnh những thuận lợi góp phần mang lại kết quả tích cực, đồng chí Nguyễn Thị Đậm cũng cho rằng, hoạt động của các tổ chức tín dụng thời gian qua cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong thời gian toàn tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch tầm soát trên diện rộng của địa phương.
Trong đó, các chi nhánh, phòng giao dịch phải tạm ngừng hoạt động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do có cán bộ nhiễm, nghi nhiễm, có khách hàng nhiễm đến giao dịch hoặc trụ sở hoạt động nằm trong khu vực phong tỏa. Công tác tiếp quỹ ATM chậm hơn bình thường do hạn chế về nhân sự và lịch trình di chuyển của người, phương tiện. Công tác cho vay, thu hồi nợ, nợ xấu phát sinh khi khách hàng không thể đến giao dịch trực tiếp vì không thể qua các chốt kiểm soát, sản xuất, kinh doanh trì trệ nên không có nguồn thu trả nợ ngân hàng...
Trong các tháng cuối năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Đậm cho biết, NHNN chi nhánh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm như: Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 của NHNN Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.
THẾ ANH