.

Tiền Giang: Kinh tế tập thể cần bước đi mới

Cập nhật: 10:24, 11/10/2021 (GMT+7)

Kinh tế tập thể, nhất là đối với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa.

Nhiều mô hình liên kết tiêu thụ nông sản hiệu quả của HTX nông nghiệp ra đời.
Nhiều mô hình liên kết tiêu thụ nông sản hiệu quả của HTX nông nghiệp ra đời.

Tuy nhiên, trong điều kiện vốn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, thương trường…, nên kinh tế tập thể (KTTT) cần có lộ trình và những bước đi vững chắc hơn.

1. Nhìn nhận một cách tổng thể, nhất là sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 ngày 18-3-2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, nhìn chung HTX nông nghiệp trên địa bàn Tiền Giang đã có bước chuyển dài. Nhưng đó là cả một chặng đường không kém phần gian nan.

Chia sẻ về điểm khởi đầu khi chuẩn bị thành lập, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công Nguyễn Quốc Kiệt cho rằng, thời điểm đó trên địa bàn chưa có tổ chức nào lo cho người dân nguồn giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cũng như thu mua sản phẩm. Người dân chủ yếu nuôi theo sản lượng mà không chú trọng về chất lượng.

Dù làm cật lực, nhưng cuộc sống của những nông hộ này vẫn rất bấp bênh. Không chỉ chống đỡ nhiều dịch bệnh hoành hành, người dân còn chịu rủi ro lớn khi đầu ra không đảm bảo, giá cả lên xuống thất thường, tự cạnh tranh lẫn nhau và luôn bị thương lái ép giá. Các nông hộ thường bán nông sản giá thấp, do người mua quyết định giá bán vì thích nuôi theo số lượng nhiều, thiếu thông tin thị trường, khả năng đàm phán yếu.

“Việc hình thành một tổ chức làm cầu nối giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo quy trình chăn nuôi an toàn gắn với liên kết tiêu thụ là rất cần thiết. Được sự vận động và hỗ trợ từ cấp xã, phường, thị xã và cấp tỉnh, HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công ra đời và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, với 19 thành viên… Đến năm 2020, HTX có 103 thành viên”- ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết.

Theo nhận định chung, trong thời gian tới, các quốc gia tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, yêu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn, đặc biệt là nông sản, thực phẩm là xu hướng tất yếu, đòi hỏi các HTX phải hợp tác, liên kết sản xuất, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu.

Tiền Giang có ưu thế riêng về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như cây trồng, vật nuôi, chính vì vậy việc thành lập các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện, với những sản phẩm chủ lực của địa phương với xu hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.

Từ đó, ngành Nông nghiệp cũng đặt ra mục tiêu là phát triển mới bình quân 5 HTX nông nghiệp mới mỗi năm, phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 220 HTX nông nghiệp, số thành viên và người lao động tăng 5%/năm. Doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng bình quân 5%/năm; thu nhập bình quân của lao động đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng...

Về chặng đường phát triển của HTX, ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết thêm, mục tiêu hoạt động của HTX là tổ chức lại sản xuất có quy trình rõ ràng, kiểm soát theo chuỗi từ đầu vào con giống, thức ăn và thú y… nhằm tạo ra được gà thịt đáp ứng theo yêu cầu thị trường gắn với bản sắc riêng của người Gò Công siêng năng, cần cù, học hỏi và cầu tiến.

Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2011, do mới thành lập, thành viên cũng nhiệt tình nhưng do chưa có kinh nghiệm ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên kết quả đạt chưa theo ý muốn như sản lượng làm ra lớn nhưng chất lượng không đồng đều, vì mỗi hộ nuôi theo quy trình riêng. Do đó, hoạt động mua bán không hiệu quả, HTX gần như muốn tan rã, một số thành viên xin rút ra khỏi HTX.

Năm 2012, Luật HTX mới ra đời kèm theo đó có những cơ chế hoạt động mới thông thoáng hơn, những anh em còn lại trong HTX được sự tư vấn của các ngành, các cấp, tìm ra nguyên nhân yếu kém, đưa ra giải pháp hợp lý để tổ chức lại bài bản hơn như: Xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với con giống có nguồn gốc bản địa Gò Công được chọn lọc khoa học và an toàn theo chuỗi giá trị với phương châm “Tôi chỉ sản xuất những gì tôi bán được”, cốt lõi là “Ngon, an toàn và truy xuất được nguồn gốc” và sản phẩm đảm bảo từ trang trại đến bàn ăn người tiêu dùng.

Nhờ những bước chuyển mình mạnh mẽ, đến nay HTX có tổng đàn gà thịt trên 200.000 con, trung bình mỗi tháng cung ứng thị trường 20.000 con gà thịt theo hợp đồng cung ứng ổn định cả năm với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đối tác, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ và liên kết sản xuất, HTX dự kiến sẽ mở rộng quy mô tại các xã như: Tân Trung, Bình Đông, Bình Xuân, Long Chánh, Bình Ân (huyện Gò Công Đông) và Long Bình, Bình Tân (huyện Gò Công Tây)… nhằm giúp người dân nơi đây có cơ hội vượt khó, thoát nghèo phù hợp.

“Mục tiêu dài hạn của HTX là phát triển các chuỗi điểm bán lẻ từ việc tạo điều kiện cho những người thân, bạn bè trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có sẵn mặt bằng và vốn để phát triển thành chuỗi phân phối rộng khắp”- ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết.

Trụ sở HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công được đầu tư khang trang (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
Trụ sở HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công được đầu tư khang trang (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

2. Đánh giá tổng thể về KTTT nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, HTX nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất.

Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Từ đó, các HTX đã góp phần tích cực trong việc nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Từ thực tiễn, nhiều mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp ra đời. Chẳng hạn, đối với liên kết tiêu thụ lúa, các HTX: Mỹ Trinh, Mỹ Quới, Bình Nhì, Mỹ Thành Bắc, Tăng Hòa... đã tham gia thực hiện hiệu quả Cánh đồng lớn qua liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty Tân Thành, Công ty TNHH Vinh Hiển.

Còn trên lĩnh vực liên kết tiêu thụ trái cây, điển hình có: HTX Thanh long Mỹ Tịnh An ký hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước châu Âu, với sản lượng từ 1.000 - 1.500 tấn/năm; HTX Hòa Lộc ký hợp đồng với Công ty Hachando để xuất khẩu đi Nhật Bản khoảng 30 - 80 tấn/năm và nhiều thị trường uy tín khác trong nước, với sản lượng hơn 100 tấn/năm; HTX Sơ ri Bình Ân ký hợp đồng với các đối tác như Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Hồng và Võ Phát, với sản lượng 4 - 5 tấn/năm; HTX Sơ ri Gò Công Đông ký hợp đồng cung cấp bình quân 1.500 - 2.000 tấn sơ ri mỗi năm với Công ty Nichirel Succo. Ngoài ra, nhiều mô hình liên kết tiêu thụ rau an toàn; tiêu thụ gà giống, gà thịt cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần giải phóng lượng lớn nông sản của địa phương...

Nhìn nhận từ thực tế, ngành Nông nghiệp cũng cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển thương mại và các quan hệ kinh tế khác; tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp có môi trường, điều kiện để học hỏi kinh nghiệm; được đối xử bình đẳng trong quan hệ quốc tế; có cơ hội tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra không ít thách thức đối với KTTT. Đó là vốn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, thương trường; thiếu hiểu biết về luật, nhu cầu, thị hiếu, hệ thống phân phối, kinh doanh ở thị trường nước ngoài.

Chưa kể, những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp; trong điều kiện các chính sách vĩ mô của Nhà nước còn nhiều điểm chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, kinh nghiệm quản lý còn yếu kém, mỗi HTX phải đối mặt với các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, như bán phá giá, lừa đảo, lạm dụng vị thế độc quyền trong thương mại…

THẾ ANH

 

.
.
.