.

Tiền Giang: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động an toàn và hiệu quả

Cập nhật: 10:36, 25/10/2021 (GMT+7)

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp và tác động đến nhiều khía cạnh đời sống xã hội, Tiền Giang cùng cả nước thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, những “vùng xanh”, bình thường mới ngày càng rộng hơn nên Tiền Giang đang tính toán khôi phục kinh tế.

AN TOÀN ĐỂ SẢN XUẤT

Tiền Giang đã và đang chủ động tính toán phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh (SXKD) khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên địa bàn tỉnh cũng như ở các tỉnh, thành phía Nam. Căn cứ Kế hoạch 267 ngày 25-9 của UBND tỉnh về việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2021; căn cứ tình hình diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh, ngày 1-10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 287 về khôi phục hoạt động SXKD cho các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; trong đó từ ngày 1-10 đến cuối năm 2021 được chia làm 2 giai đoạn.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” tại Công ty TNHH Hữu Biên (huyện Châu Thành) vào cuối tháng 9-2021.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” tại Công ty TNHH Hữu Biên (huyện Châu Thành) vào cuối tháng 9-2021. Ảnh: Minh Thành

Theo đó, giai đoạn 1 từ ngày 1-10 đến 31-10 là tập trung cho công tác phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động SXKD phù hợp trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin trong dân còn thấp, kết quả phòng, chống dịch tiềm ẩn nguy cơ, chưa bền vững.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp (DN) dưới 50 lao động thực hiện SXKD gắn với phương án phòng, chống dịch do UBND cấp huyện quyết định (không cần “3 tại chỗ”);  đối với DN có trên 50 lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc kết hợp cả hai (quy mô 70% đối với DN đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” và 50% đối với DN mới thực hiện phương án “3 tại chỗ”).

Trong giai đoạn 2, từ ngày 1-11 đến 31-12, chuyển từ “nguy cơ” sang “bình thường mới”, điều kiện người lao động có thẻ xanh Covid (tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, F0 hết bệnh), các DN dần chuyển từ “3 tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng, chống dịch, các DN nâng quy mô hoạt động dần theo các mức 30% - 50% - 70%...

Việc chuyển tỷ lệ từ 30% lên 50% lên 70% có thể nhanh, chậm chủ yếu tùy thuộc DN có vận hành an toàn giai đoạn trước và sẵn sàng tăng quy mô chưa.

Đến nay, Tiền Giang cơ bản kiểm soát được dịch, những “vùng xanh”, bình thường mới ngày càng rộng hơn. Tiền Giang đã ban hành kế hoạch chung để các ngành cụ thể hóa theo từng kế hoạch riêng. Riêng trong các lĩnh vực khôi phục hoạt động SXKD, tỉnh cũng ban hành kế hoạch để các DN, tổ chức kinh tế lựa chọn mô hình phù hợp. Kế hoạch cũng phân rõ trong 3 giai đoạn cụ thể, kèm theo các điều kiện và trách nhiệm của các ngành, các cấp. Đây là cơ sở để các DN lựa chọn phương án hợp lý.

Tỉnh cũng khuyến cáo sống trong môi trường mới trong điều kiện có vi rút, nếu không cảnh giác sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Trước hết, mọi người nên chấp hành quy định của ngành Y tế, chẳng hạn như 5K, nên DN cần tổ chức lại môi trường sản xuất đảm bảo khoảng cách an toàn, định kỳ xét nghiệm, thường xuyên sát khuẩn… để đánh giá tình hình sức khỏe người lao động. Điểm đặc biệt cần lưu ý là ý thức của người lao động không chỉ thể hiện ở nơi làm việc, mà còn trong xã hội. Đồng thời, DN cũng cần tính toán lại quy mô, hình thức để lựa chọn phương án SXKD phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả như an toàn cho người lao động.

Tính đến ngày 20-10, toàn tỉnh có 98 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Trong quá trình triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ”, trường hợp DN muốn tăng số lượng lao động và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, tỉnh phê duyệt cho bổ sung tăng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tỉnh đã phê duyệt cho tăng số lượng hơn 2.000 lao động cho các DN tham gia thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Điển hình như: Công ty TNHH Đại Thành với tổng số lao động là 1.700 người; khi thực hiện giai đoạn đầu chỉ với 375 người, chiếm hơn 22%; đến nay số lượng lao động tăng lên 933 người, chiếm 55%.

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, với tổng số lao động 2.522 người; khi thực hiện giai đoạn đầu chỉ với 1.105 người, chiếm 43,8%, đến nay số lượng lao động tăng lên 1.768 người, chiếm 70,1%.

Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang với tổng số lao động 330 người; khi thực hiện giai đoạn đầu chỉ với 66 người, chiếm 20%, đến nay số lượng lao động tăng lên 220 người, chiếm 66,7%. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh nhà máy Tiền Giang (Khu công nghiệp Mỹ Tho) với tổng số lao động 256 người, đến nay hoạt động với 229 người, chiếm 89,5%...

NÂNG DẦN QUY MÔ

Nhìn chung, mặc dù việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” có tốn kém chi phí cho DN nhưng thực tế từ khi thực hiện phương án đến nay (từ ngày 1-8-2021) trên địa bàn tỉnh là tuyệt đối an toàn, không phát sinh bất kỳ ổ dịch nào.

Đồng thời, mới đây tỉnh đã sửa đổi Bộ Tiêu chí thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo hướng DN sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 8228 ngày 30-9-2021 (xét nghiệm mẫu gộp bằng test nhanh 7 ngày/lần hoặc bằng phương pháp RT-PCR 14 ngày/lần đối với lao động thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài (lưu ý các đối tượng: Tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng...); người lao động còn lại luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, mỗi lần 5% - 10% lao động).

UBND tỉnh cũng đang cho phép công nhân tại vùng nguy cơ thấp đi làm và trở về nơi lưu trú hằng ngày như: Công ty Dụ Đức, Công ty Simone (Khu công nghiệp Tân Hương) bố trí xe ô tô đưa rước công nhân từ các vùng nguy cơ thấp (huyện Gò Công Tây và huyện Cai Lậy); Công ty Apache (Khu công nghiệp Long Giang) sử dụng công nhân tại huyện Tân Phước và tự đi về bằng xe cá nhân.

Bên cạnh đó, đối với DN, cơ sở SXKD dưới 50 lao động, theo báo cáo của UBND các huyện, thị, thành, tính đến ngày 17-10, toàn tỉnh có 739 DN có số lao động dưới 50 người hoạt động trở lại theo phương án phòng, chống dịch - không thực hiện “3 tại chỗ” (không tính các DN hoạt động ngành nghề thiết yếu), cụ thể: Huyện Cái Bè có 400 DN, cơ sở SXKD; huyện Cai Lậy có 241 DN, cơ sở SXKD; huyện Tân Phước có 9 DN; huyện Châu Thành có 5 DN; huyện Chợ Gạo có 14 DN; huyện Gò Công Tây có 23 DN; huyện Gò Công Đông có 30 DN; TX. Gò Công có 5 DN và huyện Tân Phú Đông có 4 DN.

Lãnh đạo tỉnh thăm và làm việc với DN thực hiện phương án  “3 tại chỗ”.
Lãnh đạo tỉnh thăm và làm việc với DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Để lắng nghe ý kiến của các DN, nhất là các DN thực hiện “3 tại chỗ”, hằng tuần UBND tỉnh đều có gặp mặt DN nhằm tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN. Theo kế hoạch của tỉnh, đến ngày 31-12-2021, tiếp tục triển khai thực hiện phục hồi hoạt động SXKD của DN, cơ sở SXKD. Theo đó, trong tháng 10, đối với các DN đã đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” tiếp tục hoạt động; đồng thời, tổ chức thực hiện 2 mô hình theo hướng dần mở rộng đối với việc di chuyển của người lao động.

Cụ thể: Mô hình kết hợp đưa rước tập trung công nhân (vùng xanh): Người lao động đã tiêm 1 mũi vắc xin và ở “vùng xanh” (theo huyện), DN tổ chức xe đưa đón công nhân từ nơi sản xuất đi, đến tại nơi ở địa phương “vùng xanh” (tập trung, có kiểm soát). Mô hình Xanh - xanh: Đối với DN trên địa bàn “vùng xanh” (theo huyện) và người lao động trên cùng địa bàn huyện (vùng xanh) thì người lao động được di chuyển bằng xe cá nhân.

Trong giai đoạn từ ngày 1-11 đến 31-12, tỉnh sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các DN chuyển từ “3 tại chỗ” sang hoạt động theo phương án gắn với phương án phòng, chống dịch gắn với các DN nâng dần quy mô hoạt động; tăng cường tiêm vắc xin cho người lao động trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức lại hoạt động SXKD gắn với an toàn phòng, chống dịch theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ; Quyết định 23 ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 126 ngày 8-10-2021 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị quyết 68; đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

NHÓM PV

.
.
.