.

Tiền Giang: Ưu tiên hỗ trợ liên kết sản xuất

Cập nhật: 10:14, 22/10/2021 (GMT+7)

Đó là một trong những nội dung trọng tâm nằm trong Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành bổ sung danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện Nghị định 98 ngày 5-7-2018 của Chính phủ.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, việc liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến rõ nét, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như trên lĩnh vực rau màu, hiện có 5 hợp tác xã (HTX): Rau an toàn Gò Công, Rau an toàn Tân Đông, Rau an toàn Thạnh Hưng, Phú Quới và Hòa Thạnh đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâu dài ổn định với hệ thống SaigonCo.op, Bách Hóa Xanh, BigC, các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh và các nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh, với sản lượng khoảng 3 - 4 tấn rau/ngày/HTX; đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 sản lượng tăng lên vượt bậc, đạt 14 - 20 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, liên kết tiêu thụ gà giống, gà thịt, trứng cút thời gian qua cũng mang lại những hiệu ứng tích cực. Các HTX trên lĩnh vực này đã có hợp đồng liên kết bền vững, lâu dài với các công ty như: HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cung cấp gà thịt cho Công ty Phạm Tôn, Công ty TNHH Bầu trời xanh, nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh, với sản lượng gần 1 tấn/ ngày; HTX Chăn nuôi cút Tấn Lực cung cấp chủ yếu thị trường các tỉnh, thành miền Tây từ 7 - 9 triệu trứng cút/tháng.

Mô hình nuôi cá nước ngọt trên sông Tiền.
Mô hình nuôi cá nước ngọt trên sông Tiền.

Xuất phát từ các mô hình liên kết thực tế, trên cơ sở rà soát lại Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo đăng ký của các địa phương và xu hướng phát triển, hình thức tổ chức sản xuất và hợp tác liên kết, tiềm năng thị trường của các sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Tiền Giang đề xuất bổ sung thêm các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh ngoài danh mục quy định tại Điều 1 Quyết định 357 ngày 1-2-2019 của UBND tỉnh.

Trên cơ sở ý kiến của các ngành, địa phương, Sở NN-PTNT bổ sung một số sản phẩm có quy mô, diện tích lớn và có xu hướng phát triển: Chanh, ổi, mận, dưa lưới, nấm ăn các loại, cá nước lợ, ngọt… Điểm đáng chú ý, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trong những năm gần đây, cây nấm được đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Cây nấm phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với hơn 117 ha, sản lượng hằng năm khoảng 2.193 tấn, với các loại nấm như: Bào ngư, nấm rơm, nấm hương, mộc nhĩ, vùng tập trung sản xuất là TP. Mỹ Tho và các huyện: Gò Công Tây, Tân Phước, Cái Bè.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới, với quy mô 500 - 1.000 m2 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 15 ha cùng với đặc tính trồng trong nhà màng, nhà lưới nên năng suất thu hoạch của dưa lưới có thể đạt khoảng 1.200 - 1.800 tấn/năm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 7-10, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 2628 về danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Ngành hàng lúa gạo; ngành hàng cây ăn trái: (xoài, vú sữa, sầu riêng, sa pô, khóm, thanh long, mãng cầu Xiêm, bưởi, cam, sơ ri, mít, nhãn, chôm chôm, chuối, chanh, ổi, mận; dừa); ngành hàng rau, màu (rau, củ các loại, nấm ăn, dưa hấu, dưa lưới, sả); ngành hàng chăn nuôi (heo, bò, dê, gia cầm, bao gồm chim cút) và ngành hàng thủy sản (tôm nước lợ, nghêu, cá nước lợ, cá nước ngọt, khai thác hải sản xa bờ).

Trong danh mục bổ sung nhằm khuyến khích, hỗ trợ đầu tư liên kết của Sở NN-PTNT đáng chú ý còn có cá nước lợ, nước ngọt. Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, quy mô nuôi cá nước lợ tập trung khoảng 20 - 30 ha, tập trung tại các huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông, sản lượng khoảng 1.000 tấn mỗi năm.

Các mô hình nuôi này đã mang lại thu nhập cao cho nông dân trong thời gian qua. Nuôi cá nước ngọt cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhiều mô hình nuôi cá rô phi, cá thát lát (huyện Tân Phước), cá Koi (huyện Châu Thành) có xu hướng phát triển mạnh; đã thành lập được HTX Tân Phước Xanh nuôi cá thát lát ở huyện Tân Phước và HTX Việt Hà nuôi cá Koi ở huyện Châu Thành.

Đồng thời, việc bổ sung nhóm ngành này cũng nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào cho đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản tiêu thụ, nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản.

Theo đánh giá chung của Sở NN-PTNT Tiền Giang, các sản phẩm bổ sung trong danh mục ưu tiên hỗ trợ liên kết sản xuất đã hình thành vùng sản xuất tập trung và hình thành được các HTX trong vùng sản xuất để liên kết tiêu thụ sản phẩm với các thương nhân, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu trong nước. Việc thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất là bước đi góp phần hiệu quả, nâng cao tính bền vững cho các sản phẩm của địa phương.

A.P

.
.
.