.

Tiền Giang thực hiện nguyên tắc: An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn

Cập nhật: 09:57, 27/10/2021 (GMT+7)

Từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 5-6-2021 tại TX. Cai Lậy, đến nay (hết ngày 25-10), Tiền Giang đã ghi nhận trên 15.700 người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tỉnh đã thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh một cách đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; từng địa phương có sự chủ động và phối hợp tốt hơn. Trong từng khu dân cư, khu cách ly, nhân dân và các doanh nghiệp đã chủ động tự quản tốt. Toàn hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu Công an, Quân sự, Y tế đã có sự phối hợp và hoạt động hiệu quả, quyết tâm khống chế dịch bệnh.

KẾ HOẠCH 267 THỂ HIỆN RÕ LỘ TRÌNH TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG

Ngày 25-9-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 267 về triển khai thực hiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang. Trong quá trình thực hiện có 19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang có đơn “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ và ngay sau đó trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bình luận.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra một doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại huyện Châu Thành.   Ảnh: M. THÀNH
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra một doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại huyện Châu Thành. Ảnh: M. THÀNH

Về việc này có những thông tin trên mạng xã hội và một số người chưa hiểu hết Kế hoạch 267; tình hình cụ thể của các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như thế nào cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Tiền Giang nhưng cũng tham gia bình luận và cho rằng Tiền Giang chưa thoát được phương án sản xuất “3 tại chỗ’; chính quyền Tiền Giang còn “cứng nhắc” là không quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp và người lao động...

Nếu nghiên cứu kỹ Kế hoạch 267, chúng ta sẽ thấy kế hoạch này đã thể hiện rất rõ lộ trình trở lại hoạt động bình thường theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó có việc khôi phục hoạt động sản xuất.

Trên tinh thần “sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, trước hết” và đảm bảo an toàn trong sản xuất, quan điểm của tỉnh là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phải gắn với công tác phòng, chống bệnh Covid-19, bảo đảm tính mạng con người và an toàn cho người dân, cho xã hội (trong đó có các doanh nghiệp); Kế hoạch 267 đã nhấn mạnh vai trò hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 1-10-2021 đến cuối năm 2021 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ ngày 1 đến 31-10-2021: Tập trung cho công tác phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp trong điều kiện “tỷ lệ tiêm vắc xin trong dân còn thấp, kết quả phòng, chống dịch tiềm ẩn nguy cơ, chưa bền vững”.

Giai đoạn 2: từ ngày 1-11 đến 31-12-2021, chuyển từ “nguy cơ” sang “bình thường mới”, điều kiện người lao động có thẻ xanh Covid (tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, F0 hết bệnh), các doanh nghiệp dần chuyển từ “3 tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng, chống dịch, các doanh nghiệp nâng quy mô hoạt động dần theo các mức 30%, 50%, 70%... Việc chuyển tỷ lệ từ 30% lên 50% lên 70% có thể nhanh, chậm chủ yếu tùy thuộc doanh nghiệp có vận hành an toàn giai đoạn trước và sẵn sàng tăng quy mô chưa.

SẢN XUẤT PHẢI GẮN VỚI AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Tính đến ngày 20-10-2021 tổng số doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” là 98 doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ”, các trường hợp doanh nghiệp muốn tăng số lượng lao động và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch thì tỉnh phê duyệt cho bổ sung tăng.

Mặc dù thực hiện phương án “3 tại chỗ” có tốn kém chi phí cho doanh nghiệp nhưng thực tế từ khi thực hiện phương án đến nay (từ ngày 1-8-2021) là tuyệt đối an toàn, không phát sinh bất kỳ ổ dịch mới nào. Đồng thời, tỉnh đã sửa đổi Bộ Tiêu chí thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo hướng doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 8228 ngày 30-9-2021 (xét nghiệm mẫu gộp bằng test nhanh 7 ngày/lần) hoặc bằng phương pháp RT-PCR (14 ngày/lần) đối với lao động thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài như: Tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng...; người lao động còn lại luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, mỗi lần 5% - 10% lao động).

Sáng 21-10-2021, tại buổi thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý không chuyển từ “cực tả” sang “cực hữu” về vấn đề chống dịch kẻo gây hậu quả xấu. Chủ tịch nước cho biết phương thức chống dịch hiện nay đã không còn “Zero Covid” mà chuyển sang thích ứng với Covid-19 bằng những phương thức như như 5K, vắc xin, thuốc… Chúng ta đừng chuyển từ “cực tả” sang “cực hữu”, vấn đề này dễ dẫn đến hậu quả rất xấu cho đất nước. Nói như vậy để không được chủ quan, không đơn giản hóa, thích ứng nhưng phải có kiểm soát tốt, phải đề cao cảnh giác.

Mặt khác, trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”, trong đó có cả doanh nghiệp FDI.

Hằng tuần, UBND tỉnh đều gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân các doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ công nhân trong các khu, cụm công nghiệp tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt gần 100%, gần 45% được tiêm mũi 2.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ca lây nhiễm ngoài cộng đồng vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người dân chủ quan không thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch và do việc di chuyển của người dân từ ngoài tỉnh vào và ngược lại. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã áp dụng tạm thời nhiều phương án sản xuất để vừa phục hồi sản xuất (đây là mục tiêu của tỉnh) vừa đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp và người lao động.

Tỉnh rất chia sẻ và cảm thông với doanh nghiệp và người lao động, sự “sốt ruột” của doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất và yêu cầu việc làm của người lao động, cũng là sự “sốt ruột” của tỉnh; bởi vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, không thể vì “nóng ruột” mà chính quyền, doanh nghiệp và người lao động lại bất chấp hậu quả.

Chúng ta còn nhớ trong tháng 8-2021, để tạo điều kiện thuận lợi duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp, tỉnh đã đồng ý cho một số doanh nghiệp đăng ký hoạt động “3 tại chỗ”, khi thực hiện, bên cạnh phần lớn các doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, vẫn có một số doanh nghiệp quản lý thực hiện chưa nghiêm dẫn đến bùng phát nhiều ổ dịch, xảy ra diện rộng trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Mỹ Tho, huyện Tân Phước, huyện Cái Bè...

Hậu quả là các doanh nghiệp bị phong tỏa dừng hoạt động, người lao động bị mất việc làm, thậm chí mất cả tính mạng. Điều này dù chính quyền, doanh nghiệp và người lao động không mong muốn xảy ra, nhưng đây là “bài học kinh nghiệm” nhắc cho chúng ta là phải có giải pháp tốt, hiệu quả nhằm không để tái diễn sự việc đáng tiếc đó. Mục tiêu chung của tỉnh, của doanh nghiệp và người lao động là sản xuất an toàn, vì sự phát triển của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Vì vậy, chúng ta không thể vội vàng, nôn nóng để rồi khi xảy ra sự cố lại dẫn đến ngừng hoạt động, mất việc làm.

TẤN QUÂN

.
.
.