Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng tăng thấp nhất 5 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng của năm 2021 tăng 1,81% so với cùng giai đoạn năm trước, mức tăng thấp nhất tính từ năm 2016.
Người dân TPHCM được đi chợ trở lại từ ngày 1-10. Ảnh minh hoạ: Lâm Vũ |
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2021 giảm 0,2% so với tháng 9. Con số này cao hơn so với dự báo giảm 0,1-0,15% được ông Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính - nêu tại cuộc họp công tác điều hành giá quí 3, kịch bản điều hành qui 4 và đầu năm 2022 diễn ra ngày 26-10.
Luỹ kế 10 tháng của năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng giai đoạn năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Còn lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.
Về các chỉ số thành phần, Tổng cục Thống kê cho rằng có 5 yếu tố làm tăng CPI. Thứ nhất, giá xăng dầu trong nước bình quân 10 tháng tăng 27,23% làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm.
Thứ hai, giá ga bình quân 10 tháng tăng 23,81% làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Thứ ba, giá dịch vụ giáo dục tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015 của Chính phủ.
Thứ tư, giá gạo trong nước tăng 6,24% làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm do chịu tác động từ giá gạo xuất khẩu gia tăng, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Tết Nguyên đán và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Thứ năm, giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 6,53% làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Ngược lại, có 4 yếu tố khiến CPI 10 tháng của năm 2021 giảm so với cùng giai đoạn năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Thứ nhất, giá các mặt hàng thực phẩm 10 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,09 điểm phần trăm.
Thứ hai, giá điện sinh hoạt bình quân giảm 1,19% làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm do Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ giảm giá tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Thứ ba, giá vé máy bay và du lịch trọn gón lần lượt giảm 21,88% và 2,54% trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại.
Thư tư, các ngành các cấp đã triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Bên cạnh những yếu tố trên, Tổng cục Thống kê cho rằng CPI giảm do nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ của người dân giảm, đồng thời nguồn cung được đảm bảo giúp giá lương thực, thực phẩm trong tháng thấp hơn.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt cũng giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp cũng là hai yếu tố tác động đến CPI.
(Theo thesaogontimes.vn)