.

Tiền Giang: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

Cập nhật: 10:06, 29/10/2021 (GMT+7)

Nghị quyết 13 ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) ra đời đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực KTTT. KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã từng bước chuyển mình, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Tiền Giang.

Các HTX nông nghiệp đã tập hợp được nông dân, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản của thành viên.
Các HTX nông nghiệp đã tập hợp được nông dân, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản của thành viên.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân ở tỉnh về phát triển KTTT, HTX từng bước được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước từng bước được củng cố.

Quan trọng hơn hết, khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành. Điều này đã cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Đồng thời, xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả. KTTT đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giải quyết việc làm…

Trên lĩnh vực nông nghiệp, qua 20 năm triển khai Nghị quyết 13, HTX nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất. Mô hình hoạt động của HTX đa dạng, mô hình dịch vụ tổng hợp liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, thực hiện các dịch vụ trong quá trình thu hoạch như: Gặt đập, sấy, trữ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp và thị trường.

Tiềm năng, nội lực của các HTX được cải thiện, nhất là trình độ quản lý, khoa học công nghệ, đảm nhiệm được vai trò là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX đã hình thành phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, góp phần tạo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho thành viên.

Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, việc phát triển nhanh các HTX trong lĩnh vực này có vai trò quan trọng trong quy hoạch tập trung vùng sản xuất, vận chuyển hàng hóa có quy mô lớn. Từ đó, các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

 Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX điển hình, hoạt động hiệu quả.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX điển hình, hoạt động hiệu quả.

Song song với quá trình phát triển, năng lực nội tại của các HTX cũng từng bước được nâng lên. Hiện đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX càng ngày nhận thức sâu hơn về sự cần thiết trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quan tâm việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Các HTX đã mạnh dạn đổi mới, tiếp nhận các ứng dụng hiện đại như trang bị ứng dụng truy xuất nguồn gốc thông qua dán tem, mã QR; nhận hỗ trợ phần mềm kế toán thay thế cho các công việc tính toán thủ công trước đây...

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Hiện nay, mục tiêu mà tỉnh hướng đến là tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Trong đó, phát triển KTTT phải gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Cụ thể, tỉnh định hướng sẽ thành lập các HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện, cùng với những sản phẩm chủ lực của địa phương theo xu hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, chuyển đổi số.

Từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 227 HTX; giải thể 82 HTX. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp và 238 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng 158,7% (146 HTX) so với năm 2001; có 73/238 HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.

Tổng số thành viên của các HTX là 83.144, tăng 175,6%. Tổng số lượng lao động thường xuyên trong HTX là 29.175, tăng 212,1% so với năm 2001.

Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 1.737 tỷ đồng, tăng 810,6% so với năm 2001; tổng vốn hoạt động khoảng 6.996 tỷ đồng, tăng 2.805% so với năm 2001.

Tổng doanh thu của các HTX năm 2021 khoảng 3.120 tỷ đồng, tăng 2.943 tỷ đồng so với năm 2001, bình quân khoảng 33,3 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận khoảng 52,2 tỷ đồng, tăng 48,7 tỷ đồng so với năm 2001. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động làm việc trong HTX khoảng 67,2 triệu đồng/người/năm, tăng 61,34 triệu đồng/người/năm so với năm 2001.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, mỗi năm, tỉnh phát triển mới từ 5 - 10 HTX, đóng góp của khu vực KTTT, HTX tỉnh vào GRDP ổn định khoảng 0,5% - 0,6%. Số lượng thành viên, lao động tăng 3% - 5%/năm, với thu nhập bình quân mỗi năm tăng từ 5% - 7%.

Tổng doanh thu của các HTX tăng từ 3% - 5%/năm, lợi nhuận tăng 3% - 5%/năm. Đồng thời, xây dựng ít nhất 50 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương; đào tạo từ 70% - 80% cán bộ quản lý, điều hành HTX các kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển HTX trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch và cơ cấu kinh tế của từng địa phương, gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, lợi thế của từng vùng, với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các HTX sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu…

Để thực hiện các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức về KTTT, HTX. Đồng thời, hoàn thiện cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về KTTT. Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác, trên cơ sở những khó khăn, tồn tại trước đây, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ bằng việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT; tư vấn, hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, vốn.

Xác định vai trò quan trọng của khu vực KTTT trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ thành lập mới các HTX ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT. Đặc biệt là tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh...         

TRỌNG ĐẠT

.
.
.