.

Giá phân bón tăng cao, nông dân lao đao

Cập nhật: 08:38, 15/11/2021 (GMT+7)

Giá phân bón tiếp tục “lập đỉnh” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, nông dân gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm này, các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Giang đang bước vào sản xuất vụ đông xuân. Tuy nhiên, nhiều nông dân đang cảm thấy lo lắng khi giá phân bón đã tăng gần gấp 3 lần so với cuối năm trước.

THÊM GÁNH NẶNG

Đang hì hục làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân, ông Trần Văn Sơn (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) cho biết, vụ này gia đình ông gieo sạ giống lúa Hương Châu 6. Dù vậy, ông cũng như các chủ ruộng xung quanh đang rất lo lắng khi giá phân bón tăng quá cao. Ông Sơn chia sẻ: “Chiều nay, tôi mới xuống giống, vài ngày tới mới kêu chở phân để rải cho lúa. Tuy nhiên, tôi nghe đại lý báo giá phân urê lên tới gần 1 triệu đồng/bao 50 kg. Giá phân bón cao như thế này thì rất lo”.

Ông Nguyễn Hữu Tín (xã Tân Trung, TX. Gò Công) cũng vừa gieo sạ vụ lúa đông xuân cách nay 4 ngày. Vụ vừa rồi, gia đình ông tuân thủ việc cắt vụ nên không nắm giá phân bón, chỉ nghe là tăng cao. Sau khi gieo sạ, ông gọi đại lý chở phân bón thì mới biết giá phân urê hiện đã cao gần gấp 3 lần so với năm trước. Ông Tín chia sẻ: “Làm lúa đã không lời nhiều mà giá phân cao thế này thì có khó có lời, chưa kể thời tiết sắp tới có thuận lợi hay không”.

Giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Không riêng gì nông dân trồng lúa, nông dân trồng rau màu ở các huyện phía Đông cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá phân bón liên tục tăng. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), những ngày qua, giá rau đã tăng so với giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng cao ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân.

Tại huyện Chợ Gạo, thời điểm này, người dân trồng thanh long đang bước vào giai đoạn xử lý nghịch vụ. So với mùa thuận, xử lý thanh long nghịch vụ chi phí đầu tư cao hơn nhiều lần. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) cho biết: “Xử lý thanh long nghịch vụ tốn nhiều chi phí, sử dụng nhiều phân bón. Giá phân bón tăng quá cao, trong khi giá bán thanh long hiện chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, nông dân chỉ lỗ hoặc huề vốn.

Còn tại huyện Châu Thành, dù giá rau màu đã tăng trở lại, nhưng nông dẫn vẫn chưa hết lo khi chi phí đầu vào tăng cao. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Sau giãn cách xã hội, giá rau có tăng nhưng chi phí vật tư, đặc biệt là phân bón, giá nhân công tăng cao…, tính ra không có lãi”

GIÁ SẼ TIẾP TỤC TĂNG

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tại Khu công nghiệp Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), hiện 3 loại phân bón gồm: Urê, DAP, kali thường được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nước ta chỉ chủ động được nguồn phân urê. Tuy nhiên, giá phân urê trong nước hiện đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Riêng nguồn phân kali thì phụ thuộc 100% vào nhập khẩu.

Nhìn chung, do nguồn nhập khẩu khó khăn, hạn chế nên giá phân bón tăng cao. Tại các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, giá phân bón đang biến động tăng hằng ngày, nhưng sức mua không cao. Do giá phân đang ở đỉnh điểm, nên một số đại lý chỉ lấy hàng theo nhu cầu của nông dân. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng, do nguồn cung hạn chế.

Ngoài giá phân bón tăng cao, những ngày qua, giá thuốc BVTV cũng tăng mạnh. Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tại Khu công nghiệp Đức Hòa, trước đây thuốc diệt cỏ tạp có giá khoảng 80.000 đồng/chai 1 lít, hiện đã tăng gần 200.000 đồng/chai. Hầu hết các loại thuốc BVTV đều tăng gần gấp đôi so với cuối năm trước. Nguyên nhân là do chuỗi logistics tăng trong từng khâu dẫn đến giá thuốc BVTV tăng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (xã Trung An, TP. Mỹ Tho), giá phân bón trong nước vẫn rẻ hơn thế giới.

Hiện những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới như: Trung Quốc, Nga… đã ngừng xuất khẩu. Việt Nam cũng nhập khẩu phân bón chính từ những thị trường này. Nguồn cung phân bón đang gặp khó trên cả thế giới, không phải riêng ở Việt Nam. “2 ngày qua, giá phân bón biến động từng giờ theo chiều hướng tăng. Ngoài phân đạm tăng cao nhất, giá các loại phân bón khác cũng tăng khoảng gấp 2 lần so với cuối năm 2020” - ông Nguyễn Văn Ửng cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Ửng, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào sản xuất vụ đông xuân. Hằng năm, thời điểm này, các đại lý cấp 1, cấp 2 đều đầy ắp phân bón, nhưng hiện nguồn hàng đang rất ít, thậm chí không có phân để bán cho nông dân. Đại lý không dám nhập về do chi phí quá cao. Với giá phân bón như hiện tại, chi phí sản xuất của nông dân tăng khoảng gấp đôi. Vụ lúa đông xuân này, nếu giá lúa không cao thì nông dân sẽ không có lời, thậm chí thua lỗ.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.