BÀI 2: Sức mua hàng hóa giảm
BÀI 1: Khai thông hàng nông sản
Sau khi tỉnh Tiền Giang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các hoạt động thương mại, dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Thị trường hàng hóa dồi dào, giá tương đối ổn định, nhưng sức mua không cao.
Thời điểm này, tỉnh đã chuyển sang trạng thái mới, tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh gắn với phòng, chống dịch. Hoạt động của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… đã trở lại bình thường, nhưng sức mua giảm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
HẠN CHẾ MUA SẮM
Hoạt động thương mại dần trở lại bình thường nhưng nhìn chung nhu cầu mua sắm cũng còn ở mức thấp. Theo chủ tiệm tạp hóa Oanh (chợ Thạnh Trị, phường 4, TP. Mỹ Tho), những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, sức mua tại chợ đã giảm mạnh. Người dân hạn chế đi chợ, khách chủ yếu đông vào buổi sáng, còn những thời điểm khác rất vắng. Dù hàng hóa bày bán rất dồi dào, nhưng rất ít người mua.
Không chỉ các cửa hàng, tại các trung tâm thương mại, siêu thị sức mua cũng giảm. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Quản lý bán hàng khu vực TP. Mỹ Tho của hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết, những ngày qua, sức mua tại các cửa hàng trên địa bàn thành phố giảm so với thời điểm giãn cách xã hội.
Nguyên nhân là do các chợ, cửa hàng hầu hết đã hoạt động trở lại. Người dân có nhiều kênh để lựa chọn mua sắm hàng hóa. Hiện nguồn cung hàng hóa tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh đang rất dồi dào, giá ít biến động. Để kích cầu tiêu dùng, hằng tuần hệ thống đều áp dụng các chương trình khuyến mại. Nhìn chung, do tình hình kinh tế khó khăn, nên người dân còn dè đặt trong việc mua sắm, mua hàng không nhiều.
Đánh giá tổng quan về sức mua của thị trường trên địa bàn TP. Mỹ Tho, Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng cho biết, sức mua tại các chợ, siêu thị những ngày qua dù đã tăng lên, nhưng chưa nhiều. Nguyên nhân chính là do người dân còn ngại dịch bệnh nên hạn chế đi lại, mua sắm.
Sức mua hàng hóa tại các chợ giảm. |
Tương tự như TP. Mỹ Tho, ghi nhận tại TX. Gò Công, tình hình sức mua hàng hóa cũng có những nét tương đồng. Tại TX. Gò Công, thời điểm này, các hoạt động thương mại, dịch vụ hầu hết đã hoạt động trở lại. Các chợ truyền thống cũng hoạt động trở lại ổn định gắn với công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh, sức mua hàng hóa không cao.
Theo đánh giá của Giám đốc Co.opmart Gò Công Phạm Chí Công, sức mua hàng hóa tại siêu thị những ngày qua vẫn bình ổn, không tăng so với thời điểm giãn cách xã hội. Hiện người dân chủ yếu mua thực phẩm để sử dụng hằng ngày. Đến thời điểm này, giá cả hàng hóa đều bình ổn, thậm chí có một số mặt hàng như thịt heo giá giảm rất sâu.
ĐẢM BẢO PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Thực tế cho thấy, hiện nay, song song với việc khôi phục sản xuất, các cơ sở kinh doanh đều chú trọng công tác phòng, chống dịch dựa trên hướng dẫn của các ngành chức năng. Bởi những ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, đã có một số chợ truyền thống phải tiếp tục tạm dừng hoạt động do xuất hiện các trường hợp F0.
Theo ông Phạm Chí Công, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Co.opmart Gò Công cho nhân viên xét nghiệm Covid-19 định kỳ theo quy định, cho nhân viên đi làm 50%. Siêu thị vẫn tổ chức phân luồng lối ra, vào, trang bị máy đo thân nhiệt, sát khuẩn cho khách khi vào siêu thị. Hiện siêu thị vẫn còn giới hạn 40 khách vào siêu thị trong cùng một thời điểm, yêu cầu khách khai báo y tế.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua theo dõi thị trường, sức mua ngoài thị trường của người dân giảm khá sâu. Hiện nay, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết đều hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số nơi lại xuất hiện F0 nên tình hình hoạt động chưa ổn định. Căn cứ các quy định của Trung ương, hướng dẫn của ngành Y tế, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các tiêu chí về hoạt động của các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Trước đó, để đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, Sở Công thương cũng đã ban hành Công văn 2546 đề nghị UBND các huyện, thị, thành tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống và cho hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 với từng điều kiện cụ thể. |
Cũng nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch như giai đoạn giãn cách xã hội.
Theo đó, tùy theo diện tích của từng cửa hàng, Bách Hóa Xanh sẽ hạn chế số người (20 đến 30 người) đến mua sắm trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, thực tế, khách đến mua sắm không quá đông nên công tác phòng, chống dịch vẫn đảm bảo. Người dân đã ý thức trong công tác phòng, chống dịch.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng, để đảm bảo công tác phòng dịch khi các hoạt động thương mại, dịch vụ mở cửa trở lại, tiểu thương tại các chợ muốn buôn bán phải được tiêm vắc xin Covid-19 ít nhất 1 mũi hoặc F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng. Đồng thời, người bán, người mua phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Định kỳ, tiểu thương phải được xét nghiệm Covid-19 theo quy định.
Trao đổi về quản lý hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, địa phương đã cho mở cửa trở lại một số chợ truyền thống. Công tác phòng, chống dịch tại các chợ được đặt lên hàng đầu, theo đó tiểu thương phải tuân thủ thông điệp 5K như giữ khoảng cách, mang khẩu trang... Nhìn chung, số lượng tiểu thương buôn bán trở lại cũng ít, chủ yếu bán các mặt hàng thiết yếu.
THÁI AN - TRỌNG ĐẠT