.

Tiền Giang: Ban hành Kế hoạch Phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19

Cập nhật: 15:18, 17/12/2021 (GMT+7)

(ABO) Ngày 15-12-2021,  Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 387  Phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19.

Mục đích của Kế hoạch: Xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi hoạt động du lịch Tiền Giang theo nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”. Xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn tỉnh; chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm đến an toàn liên vùng.

Huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động ngành du lịch. Thường xuyên cập nhật tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19; các chỉ đạo của Trung ương để kịp thời điều chỉnh lộ trình, giải pháp trong quá trình thực hiện. Đảm bảo mục tiêu kép vừa phục hồi hoạt động du lịch vừa thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian thực hiện: Giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 31-12-2021): Mở hoạt động du lịch nội tỉnh và liên tỉnh theo cấp độ kiểm soát dịch bệnh của các địa phương. Tập trung kết nối với các doanh nghiệp lữ hành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đón khách nhân dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch năm 2022.

Giai đoạn 2: Năm 2022: Mở hoạt động du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và chuẩn bị đón khách quốc tế theo cấp độ kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và tình hình diễn biến dịch bệnh các quốc gia.

Phương án đón khách du lịch quốc tế (Giai đoạn 1: Từ tháng 1-2022): Dựa vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, trên cơ sở xác định nhu cầu và đảm bảo các điều kiện đón khách du lịch quốc tế, tỉnh xây dựng kế hoạch, đề xuất thời gian, phương án đón khách du lịch quốc tế gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh sách các địa phương đón khách quốc tế.

Giai đoạn 2: Thực hiện mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế khi có hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kế hoạch đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp: Thứ nhất, công tác đảm bảo cho việc tái hoạt động tại các điểm tham quan, dịch vụ lưu trú và lữ hành: Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch hoạt động… nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 trước khi hoạt động.

Tổ chức tập huấn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và các phương án xử lý tình huống liên quan đến dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai đến các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 tại địa chỉ www.safe.tourism.com.vn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b

Khách du lịch xuống tàu để đến tham quan cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho (ảnh chụp thời điểm trước khi dịch bùng phát). Ảnh: Anh Phương.

Thứ hai, công tác phát triển sản phẩm du lịch: Tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm đến: Đẩy mạnh khai thác tour du lịch sinh thái ở cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, biển Tân Thành, gắn với di tích lịch sử văn hóa như: Rạch Gầm - Xoài Mút, Ấp Bắc, chùa Vĩnh Tràng, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác...

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch, tháo gỡ khó khăn và tăng cường hỗ trợ, mời gọi nhà đầu tư cấp chiến lược đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trọng điểm, tạo điểm nhấn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần tăng thu cho ngành du lịch.

Vận động các doanh nghiệp du lịch nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới theo hướng tour khép kín, tập trung các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí, các chương trình tham quan trải nghiệm ngoài trời, mua sắm đặc sản địa phương…

Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.

Thứ ba, công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch: Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá Tiền Giang là điểm đến an toàn, phá bỏ rào cản tâm lý người dân, khách du lịch khi đi du lịch. Tiếp tục phát động, kích cầu du lịch với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; “Du lịch Tiền Giang - điểm đến an toàn, hấp dẫn, chất lượng”.

Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch: Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang; Bản đồ du lịch điện tử; Ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh (smartphone) TienGiang Tourism; mạng xã hội… Hoàn thiện và đưa vào sử dụng wifi du lịch thông minh tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Tiền Giang trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch để đảm bảo tính thống nhất.

Khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm.

b

Du khách nước ngoài tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp  (ảnh chụp thời điểm trước khi dịch bùng phát). Ảnh: Minh Thành

Nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Tuần lễ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định...

Phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát và làm việc tại tỉnh Tiền Giang bàn về kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch để khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nghiên cứu các thị trường du lịch quốc tế đã kiểm soát dịch Covid-19 và thị trường tiềm năng cho du lịch Tiền Giang để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch; kết nối các kênh truyền thông quốc tế có uy tín chuẩn bị cho lộ trình mở cửa trong năm 2022.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch: Vận động, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia Chương trình kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch và các Hiệp hội Du lịch phát động.

Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đối với doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh hoạt động du lịch trong tình hình mới. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch về nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

M.T

.
.
.