.

Không dễ chuyển hướng xuất khẩu thanh long từ đường bộ sang đường biển

Cập nhật: 21:28, 12/01/2022 (GMT+7)

Mặt hàng thanh long đã được phép thông quan trở lại ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai sang Trung Quốc từ hôm nay (12-1). Thế nhưng, ở cửa khẩu Móng Cái xuất sang Trung Quốc đã tiếp tục bị đóng lại sau hai ngày mở cửa do có một lô hàng bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hàng hóa thông quan tại cầu phao Km3+4, Móng Cái. Ảnh minh họa: TTXVN
Hàng hóa thông quan tại cầu phao Km3+4, Móng Cái. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tin nêu trên được ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển” diễn ra chiều 12-1.

Ông Nam cho biết, do tình hình dịch Covid-19 nên việc thông quan hàng hoá sang Trung Quốc bị hạn chế, dẫn tới ùn ứ ở một số cửa khẩu biên giới phía Bắc như thời gian qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ông vừa nhận được thông tin cửa khẩu Lào Cai đã chính thức cho mặt hàng thanh long thông quan sang Trung Quốc trở lại. “Còn cửa khẩu Móng Cái, ngày hôm kia (10-1) đã cho xuất khẩu sang Trung Quốc. Thế nhưng hôm nay, lại tạm dừng do phát hiện một lô hàng chứa virus SARS CoV-2 trên bao bì nhãn mác”, ông Nam cho biết.

Ông Nam cũng tái nhấn mạnh, phía Trung Quốc hạn chế thông quan nông sản của Việt Nam là do một số lô hàng trên bao bì, nhãn mác bị dính virus SARS-CoV-2 trong quá trình vận chuyển, chứ không phải xuất phát từ vấn đề thủ tục. “Do đó, vấn đề hiện nay là phải kiểm soát, không để hàng hoá bị nhiễm virus SARS-CoV-2”, ông cho biết thêm.

Chính vì vậy, theo ông Nam, dù phía Trung Quốc có mở cửa, nhưng sẽ rất khó khăn nếu hàng hoá vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2. “Nhiễm bệnh là phía bạn dừng lại ngay”, ông nói.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quí 1-2022, cả nước sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 tấn thanh long, trong đó, lượng thanh long cần tiêu thụ trong tháng 1-2021, tức từ đây đến Tết Nguyên đán là khoảng 120.000 tấn.

Theo ông Tùng, tháng 1-2022, riêng ba địa phương trồng thanh long lớn nhất nước là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang có nhu cầu xuất khẩu lên đến 55.400 tấn, trong đó, Bình Thuận là 12.400 tấn, Long An là 20.000 tấn và Tiền Giang là 23.000 tấn.

Ông Tùng cũng cho biết, trong tháng 1-2022, các doanh nghiệp ở ba địa phương nêu trên có nhu cầu xuất khẩu thanh long bằng đường biển với tổng sản lượng khoảng 34.000 tấn.

Theo đó, tổng nhu cầu container lạnh (loại 40 feet) trong tháng 1-2022 ở ba địa phương Bình Thuận, Long An và Tiền Giang là 1.704 container, trong đó, Bình Thuận là 620, Long An 1.000 và Tiền Giang là 84 container.

Tuy nhiên, tại hội nghị, các doanh nghiệp logistics cho biết, việc chuyển hướng từ xuất khẩu đường bộ sang đường biển, nhất là trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán như hiện nay là không dễ.

“Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển, tức họ đã quen với mọi thủ tục, thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, doanh nghiệp chuyển xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển sẽ rất khó khăn, nhất là vấn đề đáp ứng thủ tục kiểm soát dịch bệnh”, một doanh nghiệp cho biết tại hội nghị.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.