.

Tiền Giang: Cùng nông dân vượt khó trong đại dịch

Cập nhật: 10:07, 05/01/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cùng nông dân thực hiện nhiều giải pháp, cách làm hay để vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

CHỦ ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH

Do chủ động chuẩn bị các vật tư thiết yếu, nên ông Phan Văn Mật (xã Long Định, huyện Châu Thành) vẫn duy trì được hoạt động sản xuất cá giống trên tổng diện tích nuôi hơn 1,6 ha  trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Theo ông Mật, việc nuôi cá giống đặc thù và nhạy cảm hơn so với nuôi cá thương phẩm.

Ông Phan Văn Mật đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn và vật tư cần thiết để duy trì sản xuất cá giống trong dịch bệnh. Ảnh: SỬU MINH
Ông Phan Văn Mật đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn và vật tư cần thiết để duy trì sản xuất cá giống trong dịch bệnh. Ảnh: SỬU MINH

Vì thế, trước khi thực hiện giãn cách xã hội, ông đã chủ động mua dự trữ thức ăn và các vật tư cần thiết. Nhờ đó, hoạt động nuôi cá của ông vẫn được duy trì, không bị tác động nhiều khi thực hiện giãn cách xã hội; duy trì việc làm cho gần 20 lao động đang làm việc tại các trại cá; đồng thời, hỗ trợ cá giống và kỹ thuật chăm sóc cá giống cho 10 hộ nghèo trên địa bàn xã Long Định. Qua đó, trong năm 2021, ông Phan Văn Mật là nông dân của Tiền Giang vinh dự được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”.

Không chỉ chủ động đầu vào, nhờ nhạy bén, tổ chức tốt đầu ra cho nông sản đã giúp cho nhiều nông dân, tổ chức nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Hợp tác xã (HTX) Đông Nghi (huyện Châu Thành) nuôi trên 300 dê sữa và sản xuất các sản phẩm từ sữa dê như: Sữa dê tươi, bánh flan, yaourt sấy thăng hoa...

Theo Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp cũng đã phối hợp với các đơn vị thành lập và duy trì 369 tổ, điểm, gian hàng hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ trên 2.993 tấn trái cây và nông sản các loại. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chuyên môn tham gia khóa tập huấn online vựa nông sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ hội viên, nông dân.

Thời gian qua, HTX đẩy mạnh tiêu thụ trong tỉnh nên đã giải quyết đầu ra sản phẩm. Chị Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đông Nghi cho biết: “Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển sản phẩm đến các khách hàng tiêu thụ ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Tháp gặp khó khăn. Trước khó khăn đó, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong tỉnh thông qua việc tổ chức các đại lý phân phối sản phẩm. HTX bán sản phẩm với giá sỉ cho các đại lý bán lẻ, qua đó sản phẩm tiếp cận với thị trường dễ hơn, qua đó giải quyết được bài toán đầu ra”.

Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm vật tư, chi phí sản xuất để vượt qua khó khăn do đại dịch cũng là cách nhiều nông dân áp dụng hiệu quả trong thời gian qua. Nông dân Bùi Văn Thành (ấp Phú Bình, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) cho biết: “Trong vụ lúa hè thu, tôi gieo sạ 0,8 ha giống lúa OM 18. Dù thời điểm đó, giá vật tư tăng, nhưng nhờ áp dụng canh tác theo “3 giảm, 3 tăng”, tôi đã tiết kiệm được chi phí về giống, phân, thuốc mà vẫn đảm bảo năng suất lúa. Cụ thể, trà lúa hè thu của tôi sâu bệnh ít, lúa đạt năng suất cao, ước khoảng 6 tấn/ha, mang lại thu nhập khá”.

HỖ TRỢ NÔNG DÂN VƯỢT KHÓ

Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành đã phối hợp và triển khai nhiều giải pháp để kết nối và mở ra các kênh mới trong tiêu thụ nông sản. Trong đó, Sở Công thương đã tổ chức vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để thu mua nông sản của nông dân tổ chức các “Gian hàng 0 đồng” tại các huyện Gò Công Đông, Chợ Gạo, Cai Lậy, Châu Thành.

“Luồng xanh” đường thủy đã mở ra kênh kết nối hiệu quả giúp nông dân tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản trong thời điểm giãn cách xã hội.
“Luồng xanh” đường thủy đã mở ra kênh kết nối hiệu quả giúp nông dân tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản trong thời điểm giãn cách xã hội.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, để tổ chức các gian hàng, Sở đã thu mua hàng trăm tấn nông sản của nông dân để hỗ trợ cho người dân khó khăn. Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải tổ chức “luồng xanh” đường thủy kết nối tiêu thụ với TP. Hồ Chí Minh hàng trăm tấn nông sản trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, các Hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để chung tay với chính quyền các cấp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Nổi bật như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Phước có Chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. Theo đó, Hội LHPN huyện Tân Phước là trung gian thu mua nông sản của nông dân như khóm, khoai, chanh, đậu phộng…, với hình thức phi lợi nhuận. Số tiền thu được sau khi cung cấp cho khách hàng, Hội chỉ giữ lại phần trang trải chi phí vận chuyển, phần còn lại chuyển lại cho nông dân.

Các “Gian hàng 0 đồng” tạo nên lợi ích kép khi tiêu thụ nông sản cho nông dân và hỗ trợ người dân khó khăn.
Các “Gian hàng 0 đồng” tạo nên lợi ích kép khi tiêu thụ nông sản cho nông dân và hỗ trợ người dân khó khăn.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phước Phạm Thị Thế Băng cho biết: “Thực hiện Chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Hội đã tổ chức bán hàng trực tiếp và kết nối thương lái xuống trực tiếp với nhà vườn thu mua. Kết quả, Hội LHPN huyện và cơ sở đã hỗ trợ hội viên và người dân tiêu thụ được 388 tấn nông sản. Các mặt hàng nông sản trên của nông dân được Hội kết nối với người tiêu dùng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo…

Bên cạnh hỗ trợ của các ngành, hội, chính quyền địa phương, các HTX, các tổ hợp tác cũng đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Đơn cử như ở HTX Rau an toàn Tân Đông (huyện Gò Công Đông), Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rau an toàn Tân Đông Trần Văn Bương cho biết: “HTX đã tổ chức thu mua nông sản cho 50 hộ nông dân ngoài thành viên HTX với giá cả ổn định. HTX mong muốn hỗ trợ nông dân trên địa bàn xã giải quyết một phần chi phí phân, thuốc để có thể tái sản xuất”.

CAO THẮNG

.
.
.