Tiền Giang: "Khai thông" phía Đông
Những công trình, dự án có quy mô lớn, nhất là công trình hạ tầng, giao thông đã và đang được triển khai sẽ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực phía Đông.
Khu vực ven sông Tiền hướng về phía Đông đang có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: Phương Nam |
Đường tỉnh 864, một trong những dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị được triển khai, thật sự mang lại nhiều ý nghĩa cho các huyện, thị phía Đông của tỉnh.
1. Thông tin đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) chạy từ huyện Cái Bè đến huyện Gò Công Đông được đầu tư, nâng cấp nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là trong những ngày gần đây đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, cắm mốc tuyến đường làm cho không khí thêm chộn rộn hơn.
Ông Bùi Văn Dễ (xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) cho biết, thông tin làm đường dọc sông Tiền xuất hiện cách nay không lâu, được người dân trong khu vực rất quan tâm, nhất là đối với những người có đất nằm dọc theo tuyến dự kiến đường tỉnh 864 đi ngang.
“Nghe nói đường làm mới có mặt đường khoảng 10 m. Mấy ngày nay chúng tôi thấy nhiều người đi đo đạc, cắm mốc cho tuyến đường này. Hy vọng, khi đường lớn được mở, người dân có nhiều cơ hội để làm ăn hơn”- ông Bùi Văn Dễ cho biết.
Tâm lý chung của người dân nằm cạnh tuyến đường chuẩn bị làm cũng vừa mừng vừa lo. Ông Nguyễn Văn Bảy (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) cho biết, cách đây hơn 2 năm con đường trước nhà ông cũng đã được mở rộng, nâng cấp, với mặt đường hơn 5 m, nhưng nay nghe thông tin tiếp tục mở rộng thêm mỗi bên 5 m.
Đoạn đường này dự kiến nối với đường tỉnh 864 từ huyện Cái Bè về huyện Gò Công Đông mà tỉnh đang triển khai thực hiện.
“Khu vực này cũng có nhà máy chế biến trái cây vừa đi vào hoạt động, nay dự kiến mở rộng đường giao thông quy mô lớn kết nối với các tuyến giao thông chính, chắc có nhiều nhà máy, xí nghiệp mở ra, tạo thêm việc làm cho người dân ở đây”- ông Nguyễn Văn Bảy cho biết.
Thông tin đường tỉnh 864 chuẩn bị thi công làm cho người dân trong khu vực dự án chộn rộn hẳn lên. Nghị quyết 47 ban hành ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án thực hiện năm 2022 có sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, đất rừng phòng hộ dưới 20 ha trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng có đề cập đến dự án đường tỉnh 864.
Đường tỉnh 864 được triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy liên kết giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, dự án còn góp phần kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh (vùng Trung tâm, vùng phía Tây và vùng phía Đông), tạo sự thông suốt, đồng bộ và phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển liên kết vùng.
Đồng thời, dự án còn tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khu đô thị mới trên địa bàn TX. Gò Công Ảnh: PHƯƠNG NAM |
2. Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, TX. Gò Công được xác định là đô thị hạt nhân của vùng. Do vậy, trong thời gian qua, TX. Gò Công đã tập trung huy động mọi nguồn lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định theo cơ cấu thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.
Nhờ đó, nhiều công trình, dự án đã triển khai đi vào hoạt động, mang dấu ấn và hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã như: Đường và khu dân cư hai bên đường Trương Định nối dài, Trường Mầm non Hoa Lan, bờ kè kinh Salicette, đường và khu dân cư hai bên đường Nguyễn Trãi nối dài, cầu Nguyễn Trọng Dân, cầu Bình Xuân, đường và khu dân cư hai bên đường Nguyễn Trọng Dân nối dài, sân vận động thị xã, hồ bơi thị xã...
Chưa kể, các hoạt động thương mại - dịch vụ cũng không ngừng phát triển theo hướng mở rộng, nâng cấp, đầu tư và thu hút đầu tư mới. “Hiện nay, các tuyến đường giao thông mới chuẩn bị được đầu tư như: Đường tỉnh 864, đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50… sẽ mở ra cơ hội rất lớn để TX. Gò Công tận dụng cơ hội, đẩy nhanh thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Gò Công, xứng đáng là đô thị trung tâm của khu vực phía Đông”- lãnh đạo TX. Gò Công cho biết.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, Dự án Đường tỉnh 864 có chiều dài tuyến khoảng 111,2 km (trong đó: Làm mới khoảng 36,4 km, nâng cấp mở rộng khoảng 26,3 km, đường hiện hữu khoảng 48,5 km), mặt đường 7 - 11 m, nền đường 9 - 12 m. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2022 đến năm 2025, từ TP. Mỹ Tho đến Đèn Đỏ (huyện Gò Công Đông) với chiều dài tuyến khoảng 44 km, mặt đường 7 - 11 m, nền đường 12 m; xây dựng mới các cầu, cống trên tuyến. Giai đoạn 2 (năm 2026 đến năm 2027), từ TP. Mỹ Tho đến Quốc lộ 30 và đoạn từ Đèn Đỏ đến Tân Thành (huyện Gò Công Đông) với chiều dài tuyến khoảng 67,2 km, mặt đường 7 m, nền đường 9 - 12 m. Riêng đoạn từ Quốc lộ 1 - Quốc lộ 30 dự kiến mời gọi đầu tư, sẽ thực hiện mời gọi ngay khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự án đường tỉnh 864 có tổng mức đầu tư khoảng 3.263 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2027; trong đó, giai đoạn 1 thực hiện 2.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 1.263 tỷ đồng. |
Nhìn một cách tổng thể hơn, nhằm phát huy hiệu quả Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Đông, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua tỉnh cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những dự án đầu tư đã được phê duyệt như: Tổng kho Xăng dầu Nam sông Hậu (huyện Gò Công Đông), Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 và 2, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2… để các nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư xây dựng.
Riêng lĩnh vực thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho biết, thời gian qua tỉnh cũng tổ chức rà soát đất đai, quy hoạch các dự án trọng điểm cần mời gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trước khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; trong đó, có các dự án ở khu vực phía Đông như: Dự án đầu tư Khu nuôi trồng, chế biến thủy sản công nghệ cao tại huyện Tân Phú Đông, Khu công nghiệp Soài Rạp…
Ngoài ra, tỉnh cũng phê duyệt hồ sơ chấp nhận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các Cụm công nghiệp: Mỹ Lợi, Long Bình, Vĩnh Hựu…
Theo định hướng chung, trong chặng đường sắp tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông với một số trọng điểm như đầu tư nâng cấp tải trọng một số tuyến đường trục hiện hữu, tăng kinh phí cho duy tu bảo dưỡng cầu đường và nghiên cứu đầu tư một số tuyến đường mới tạo động lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường trục, đường vành đai và đồng bộ với cầu giao thông có tải trọng cao. Tiền Giang cũng xác định phát triển giao thông vận tải là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng và giao thông vận tải phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Việc đầu tư các tuyến đường giao thông chính như đường tỉnh 864, đường tỉnh 873… sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra, nhất là góp phần “khai thông” khu vực phía Đông của tỉnh.
THÁI AN