.

Đồng bằng sông Cửu Long: Trái cây đi đâu, về đâu?

Cập nhật: 09:59, 19/02/2022 (GMT+7)

Trước tình trạng tỉnh Lạng Sơn có văn bản tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng rau quả tươi lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc từ ngày 16 đến 25-2, Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL đã gửi văn bản kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp… hỗ trợ tiêu thụ thanh long, mít Thái và một số loại trái cây khác, góp phần giúp nông dân tiêu thụ nông sản, tái sản xuất.

a
Thu hoạch thanh long bán cho thương lái tại tỉnh Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC

Nông dân gặp khó

Lâu nay, huyện Châu Thành được xem là vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với hàng ngàn hécta nhãn Edor. Trước đây, giá nhãn 25.000-26.000 đồng/kg, nhưng nay giảm còn 17.000-18.000 đồng/kg mà không có thương lái đến mua. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Canh Tân hội quán (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) cho biết: “Chỉ tính riêng 3 ấp cù lao của xã An Nhơn có khoảng 700ha trồng nhãn, thu hoạch mỗi hécta khoảng 20 tấn trái, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện tại nhãn đang thu hoạch, giá giảm mạnh khiến nông dân lo ngại”. Nhãn tiếp tục rớt giá là do tỉnh Lạng Sơn tạm thời đóng các cửa khẩu, không nhận xe container chở trái cây xuất sang Trung Quốc. Khó khăn là vậy, nhưng đến nay chưa có đơn vị hay doanh nghiệp nào hỗ trợ nông dân tiêu thụ, chủ yếu do nông dân tự mang đến các chợ bán lẻ.

Tại tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi hội trưởng Hội nông dân ấp Mỹ Phước 1 (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) chia sẻ, năm nay nông dân trồng bưởi rất khó khăn, bởi giá 1 tấn bưởi chỉ đủ mua vài bao phân bón và thuốc phun xịt, chưa kể khi vào vụ thu hoạch lại xảy ra tình trạng rớt giá. Chỉ riêng gia đình ông Phát, với 8 công bưởi Năm Roi, mỗi năm thu hoạch trên 30 tấn trái thì năm nay giảm đến 60% sản lượng.

“Chúng tôi rất cần chính sách hỗ trợ bền vững, kết nối đầu ra, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định để nông dân an tâm sản xuất”, ông Nguyễn Tấn Phát bày tỏ. Ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc HTX bưởi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) cho biết, không riêng gì bưởi mà các loại trái cây khác cũng bị ảnh hưởng và rớt giá. Những ngày qua, tình trạng bưởi xuất khẩu bị ảnh hưởng đáng kể, hiện tại HTX chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Nỗ lực tìm đầu ra

Trước tình hình trái cây ùn ứ vì khó tiêu thụ, các ngành chức năng tỉnh Long An nỗ lực kết nối với các sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ nông dân. Tính đến thời điểm này đã tiêu thụ được gần 20.000 tấn thanh long, gần 5 tấn mít Thái, hơn 5 tấn dưa hấu và một số mặt hàng nông sản khác. Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết, vừa qua ngành chức năng tỉnh đã đến Bình Dương làm việc với các doanh nghiệp tại đây, tìm phương án lâu dài trong tiêu thụ trái cây, nhằm giảm áp lực đầu ra cũng như hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Hiện tại, Long An còn hơn 1.000 tấn thanh long trái vụ. Ngành chức năng tỉnh đang chuẩn bị phương án tiêu thụ cho vụ thanh long tiếp theo vào tháng 4. Trước đó, Sở Công thương đã chủ động làm việc với các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… hỗ trợ người dân tiêu thụ gần 26.000 tấn thanh long”, bà Châu Thị Lệ nói.

Có thể thấy, mỗi khi phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long thì việc tiêu thụ gặp nhiều trở ngại. Theo ghi nhận, tại Long An và Tiền Giang, nhiều nhà kho có hệ thống kho đông lạnh, sức chứa lớn… nhưng không dám trữ vì sợ thua lỗ. Bên cạnh đó, trước tình hình thu hoạch nhưng đầu ra không ổn định nên nông dân không mạnh dạn đầu tư chăm sóc thanh long như những vụ trước. Tỉnh Long An có khoảng 10.000ha thanh long, sản lượng mỗi năm khoảng 294.000 tấn.

Qua rà soát, hiện có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh, trong đó có 100 kho đông lạnh, với tổng công suất khoảng hơn 5.000 tấn. Còn tại Tiền Giang, huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất với hơn 7.400ha. Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo đang thu hoạch thanh long nghịch vụ, nhưng thương lái ít thu mua khiến nông dân khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nhã (ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, thời điểm trước và cận tết, mít Thái bị rớt giá do ùn ứ tại cửa khẩu. Thời điểm này sản lượng mít không nhiều, do nông dân thua lỗ trước đó nên không tập trung chăm sóc, vì vậy mít Thái đợt này đủ tiêu thụ trong nước. Mặt khác, tại địa phương hiện có nhiều doanh nghiệp sấy trái cây khô, nếu mít khó tiêu thụ sẽ được chuyển đến các cơ sở này sấy, đóng gói. Tuy lợi nhuận không bằng xuất đi Trung Quốc, nhưng nông dân cũng thu được phần nào để chuẩn bị cho vụ tiếp theo.

Câu chuyện khó khăn về đầu ra cho nông sản không phải là vấn đề mới. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, ở góc độ địa phương, công tác trồng và tiêu thụ cần phải được quan tâm, nhất là khâu nâng cao chất lượng hàng hóa để xuất sang nhiều thị trường trên thế giới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, khuyến cáo, cần phải đầu tư nhà máy chế biến, bảo quản, đồng thời có phương án sản xuất rải vụ, tăng cường tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, cần theo sát diễn biến tình hình thông quan ở các cửa khẩu nhằm có phương án xử lý và bảo quản trái cây, hạn chế hư hỏng, thiệt hại.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.