.

Huyện Chợ Gạo: Phát triển bền vững cây dừa

Cập nhật: 14:27, 11/02/2022 (GMT+7)

Cây dừa được huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, xác định là 1 trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện, có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây trồng này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Gạo vừa ban hành Nghị quyết về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

LỢI THẾ VÀ HẠN CHẾ

Cây dừa trồng trên địa bàn huyện được phân thành 2 khu vực gồm: Khu vực các xã thuộc hệ Bảo Định trồng nhóm giống dừa lùn, chủ yếu bán trái tươi lấy nước phục vụ giải khát. Khu vực các xã thuộc hệ Ngọt hóa Gò Công trồng nhóm giống dừa cao, bán trái khô phục vụ cho nhu cầu chế biến các sản phẩm từ dầu thực vật.

Tính từ năm 2015 đến ngày 30-10-2021, nông dân đã chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dừa được 1.628 ha, nâng toàn huyện có 6.850 ha dừa; trong đó, có 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã tăng năng suất dừa từ 22 tấn lên 24 tấn/ha/năm, lợi nhuận bình quân đạt 129 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh trồng chuyên canh, nông dân còn tận dụng trồng cây ăn trái, cây ca cao, rau màu… xen canh vườn dừa để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

 

Huyện có 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có nhà máy chế biến trái cây và các sản phẩm từ trái dừa vừa đi vào hoạt động; công suất chế biến dừa của nhà máy đạt khoảng 300 ngàn trái/ngày đêm, góp phần giải quyết đầu ra trái dừa

Tuy nhiên, việc phát triển cây dừa thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: Diện tích trồng dừa của từng hộ dân ít, phân tán nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa được đồng bộ; sâu, bệnh gây hại trên cây dừa phát sinh nhiều. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhưng diện tích còn nhỏ nên khó khăn trong ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc quảng bá sản phẩm dừa chưa được thực hiện, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, hiệu quả. Giá đầu ra của sản phẩm không ổn định; tình hình hạn, mặn có lúc kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây dừa.

GIẢI PHÁP CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người trồng dừa; xây dựng vùng nguyên liệu có chất lượng đáp ứng yêu cầu chế biến, xuất khẩu.

Dừa là 1 trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Chợ Gạo.		Ảnh: N.V.T
Dừa là 1 trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Chợ Gạo. Ảnh: N.V.T

Nghị quyết hướng đến 2 mục tiêu chính gồm: Khai thác các vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp trồng cây dừa để quy hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có khoảng 7.000 ha trồng dừa tập trung; trong đó, trọng tâm là cải tạo, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị kinh tế trên diện tích dừa hiện có; phát triển từ 100 đến 200 ha trồng mới chủ yếu ở hệ Ngọt hóa Gò Công, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa, màu kém hiệu quả, chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn sang trồng dừa có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu; chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ.

Cùng với đó là tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng trái dừa, sản phẩm từ trái dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tập trung liên kết sản xuất - tiêu thụ để hình thành chuỗi giá trị sản xuất mang tính ổn định, hiệu quả và bền vững.

Trên cơ sở Nghị quyết phát triển vùng sản xuất chuyên canh dừa, UBND huyện xây dựng các đề án, dự án, xác định địa bàn cụ thể để triển khai thực hiện; chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã có liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ; xây dựng kế hoạch hướng dẫn nông dân cải tạo diện tích vườn dừa già cỗi, kém hiệu quả; đầu tư khoa học - kỹ thuật thâm canh, xen canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân trồng dừa.

Đồng thời, nghiên cứu chọn giống dừa có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu thị trường theo hướng chuyên canh, thiết kế phù hợp đối với vườn dừa trồng mới; xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu “Dừa Chợ Gạo”,  tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra của sản phẩm; vận dụng tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của Nhà nước; hằng năm cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách huyện phục vụ cho công tác phát triển cây dừa. Huyện tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã, các tổ hợp tác sản xuất dừa. Đồng thời, có kế hoạch thành lập thêm các hợp tác xã, phát triển xã viên đồng bộ với vùng quy hoạch sản xuất.

Huyện xây dựng và phát triển mạng lưới thu mua; vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước về ưu đãi đầu tư, về phát triển kinh tế hợp tác để có biện pháp, chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức mạng lưới thu mua, chế biến trên địa bàn. Huyện cũng tập trung đầu tư kinh phí khuyến nông, dạy nghề, phục vụ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quản lý dịch bệnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, để tăng sức cạnh tranh đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ dừa...

BÌNH YÊN

.
.
.