.
Ùn ứ nông sản và bài toán đầu ra:

BÀI 1: Sức hấp dẫn của "Rồng xanh"

Cập nhật: 10:57, 23/02/2022 (GMT+7)

Những vấn đề nội tại của sản xuất và tiêu thụ trái cây, nhất là tình trạng ùn ứ một số loại trái cây gần đây, tiếp tục được đưa ra bàn thảo trên nhiều phương diện khác nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp cả nước, cây ăn trái vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng nhanh (Ảnh: Vùng thanh long ở huyện Tân Phước). Ảnh: BÙI GIA PHÚ
 Vùng trồng thanh long ở huyện Tân Phước.  Ảnh: BÙI GIA PHÚ

Diện tích trồng cây ăn trái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Tiền Giang nói riêng tăng khá nhanh trong những năm gần đây, tạo áp lực lớn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Những vùng trồng chuyên canh cây ăn trái có quy mô lớn dần được hình thành, điển hình là thanh long, sầu riêng, mít Thái…, cho sản lượng thu hoạch khá lớn mỗi năm. Khi thị trường tiêu thụ có biến động dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ, nhất là đối với một số loại trái cây được xuất dưới dạng tươi, qua đường tiểu ngạch.

1. Những ai theo dõi từng bước đi của ngành Nông nghiệp cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng sẽ cảm nhận được những thay đổi của từng nhóm ngành hàng cây ăn trái. Thế nhưng, ấn tượng nhất có lẽ là nằm ở nhóm cây thanh long. Hiệu quả kinh tế đối với loại cây ăn trái này mang lại trong những năm qua đã tạo nên sức lan tỏa lớn để hình thành nhiều vùng trồng thanh long có diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bởi trên thực tế, ngoài huyện Chợ Gạo, các huyện Tân Phước, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây cũng có diện tích trồng thanh long tăng mạnh. Một trong những địa phương điển hình cho sự gia tăng diện tích trồng thanh long của tỉnh là huyện Tân Phước.

Sau thời gian ngắn thực hiện chuyển đổi cây trồng, trên vùng đất phèn ngày nào đã hình thành nhiều vùng chuyên canh thanh long với quy mô lớn. Ông Trần Văn Thích (xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước), một trong những người đầu tiên chuyển sang trồng cây thanh long cách đây 5 năm, cho rằng giờ đây vườn thanh long của ông đã bắt đầu cho thu hoạch đều đặn. Với 1,2 ha thanh long, mỗi năm cho thu hoạch 6 đợt, sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn, với giá bán bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, thanh long cho mức thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng khóm. Đó cũng là một trong những lý do để ông tiếp tục chuyển đổi thêm một số diện tích khóm sang cây thanh long, nâng tổng diện tích thanh long của gia đình đến nay lên khoảng 5 ha.

Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng nhanh.
Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng nhanh.

Tương tự như mô hình của ông Thích, những năm gần đây nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã Tân Hòa Đông cũng tính toán chuyển đổi mô hình kinh tế sang cây ăn trái. Lãnh đạo xã Tân Hòa Đông cho biết, vùng đất này hiện đã được xây dựng ô đê bao hoàn chỉnh, đất đai được cải tạo, màu mỡ nên đã trồng được nhiều loại cây trái. Bên cạnh trồng khóm, khoai mỡ theo truyền thống, nhiều cây trồng mới cũng đã xuất hiện, với diện tích tăng nhanh như thanh long, mít, chanh không hạt, mãng cầu...

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông Bùi Kế Bính cho biết, chỉ riêng thanh long trong thời gian ngắn trên địa bàn xã đã có hơn 108 ha. Còn trên bình diện tổng thể hơn, nếu tính thời điểm năm 2017, huyện Tân Phước chỉ có khoảng 500 ha trồng thanh long, với khoảng 90% diện tích là giống thanh long ruột đỏ, tập trung ở các xã: Tân Lập 1, Thạnh Tân, Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông..., nhưng giờ đây xấp xỉ 1.000 ha; mặc dù trong 2 năm gần đây giá thanh long có nhiều biến động nên diện tích trồng mới thanh long đã chững lại.

Nhiều chuyến công tác tại huyện Gò Công Đông, chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến những đổi thay trên vùng đất nhiễm mặn này. Những vườn cây thanh long bạt ngàn đã được mọc lên ở rất nhiều diện tích mà trước đây chỉ chuyên canh cây lúa. Đi dọc các tuyến đường về xã Kiểng Phước hay Tân Điền (huyện Gò Công Đông) đâu đâu chúng tôi cũng dễ dàng cảm nhận màu xanh cây trái.

Ông Nguyễn Thành Chung (ấp Xóm Chủ) nói với chúng tôi rằng, cách đây vài năm trên địa bàn ấp Xóm Chủ chỉ có một vài hộ trồng thanh long nhờ học tập mô hình trồng từ các xã của huyện Chợ Gạo mang về. Nhờ hiệu quả cây thanh long mang lại, không chỉ người dân xã Kiểng Phước, mà cả người dân xã Tân Điền cũng mạnh dạn chuyển từ cây lúa sang thanh long. Giờ đây không chỉ Tân Điền hay Kiểng Phước, mà nhiều xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã nhen nhóm trồng thanh long hay các loại cây trồng khác đối với các diện tích đất thích hợp.

Một màu xanh bạt ngàn của cây trái đang phủ dần thay cho những cánh đồng lúa trước đây. Sự hấp dẫn về hiệu quả kinh tế trong những năm qua đã thu hút người dân trong vùng chuyển đổi sang mô hình trồng thanh long thay vì trồng cây sơ ri hay các loại cây trồng khác như trước đây. Chính vì lẽ đó, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm ha thanh long đã bén rễ trên vùng đất nhiễm mặn này.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng 1,13 triệu ha cây ăn trái, riêng các tỉnh vùng ĐBSCL có 377.700 ha, chiếm hơn 33% so với cả nước. Cây ăn trái ở ĐBSCL được trồng khá đa dạng, mùa nào cũng có thu hoạch; trong đó, các cây trồng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, chuối, chanh… được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Nằm trong bức tranh chung, diện tích trồng cây ăn trái của Tiền Giang cũng tăng khá nhanh trong 5 năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây ăn trái hiện có của tỉnh là 82.766 ha, trong đó có 62.997 ha cho sản phẩm, sản lượng trái cây năm 2021 gần 1,6 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ và tăng khoảng 12.000 ha so với năm 2015.

Đặc biệt, thời gian qua ngành Nông nghiệp cũng đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như: Vùng sầu riêng xấp xỉ 13.000 ha, thanh long hơn 9.700 ha, mít hơn 10.000 ha, bưởi hơn 4.800 ha...

2. Hiệu quả kinh tế chính là thước đo để diện tích nhiều loại cây ăn trái của ĐBSCL nói chung, Tiền Giang nói riêng tăng nhanh trong những năm gần đây. Thanh long là một điển hình như thế.

Con số thống kê của ngành Nông nghiệp gần đây cho thấy, thanh long ruột trắng có lợi nhuận trung bình đạt hơn 230 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ có lợi nhuận trung bình khoảng 456 triệu đồng/ha/năm (cây 4 - 5 năm tuổi), với giá bán bình quân đối với thanh long ruột trắng là 11.500 đồng/kg và thanh long ruột đỏ bình quân 29.000 đồng/kg.

Với mức thu nhập như thế, hiệu quả kinh tế của cây thanh long cao hơn cây lúa từ 6,1 - 13,1 lần. Chính nhờ hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên đã thu hút sự quan tâm của người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang thanh long trong những năm gần đây.

Nằm trong bức tranh chung của cả nước, Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh có diện tích trồng thanh long tăng nhanh. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ trong vòng vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng thêm hơn 5.000 ha. Theo đó, nếu như tại thời điểm năm 2013, toàn tỉnh chỉ có hơn 3.100 ha trồng thanh long, đến cuối năm 2018 đã đạt khoảng 7.900 ha, hiện nay đã hơn 9.700 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Đông

Với tốc độ tăng diện tích như vừa qua, Tiền Giang đã hoàn thành sớm kế hoạch đạt 9.000 ha trồng thanh long vào năm 2025 theo mục tiêu Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” đã đề ra. Chưa kể, hầu hết diện tích thanh long được trồng mới đều sử dụng trụ bê tông và xử lý ra hoa bằng hình thức xông đèn nên đạt hiệu quả cao, nhờ đó năng suất trồng thanh long trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng tăng lên, với mức năng suất bình quân xấp xỉ 30 tấn/ha/năm.

Tất nhiên, diện tích trồng cây ăn trái tăng nhanh thời gian qua, nhất là đối với thanh long, cũng đặt ra nhiều vấn đề. Tại buổi làm việc để đánh giá tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” và giải pháp thực hiện trong thời gian tới được tổ chức gần đây, lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu, tính toán lại nhu cầu tiêu thụ và khả năng trồng thanh long của Tiền Giang.

THẾ ANH
(Còn tiếp)

.
.
.