.
Ùn ứ nông sản và bài toán đầu ra

Bài 2: Điểm sáng xuất khẩu rau quả

Cập nhật: 09:42, 25/02/2022 (GMT+7)

BÀI 1: Sức hấp dẫn của "Rồng xanh"

Tuy có những khó khăn nhất định, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm gần đây, nhưng thông qua nhiều nỗ lực, ngành rau quả cả nước đã vượt qua những thách thức và đạt được thành tựu đáng trân trọng.

Xuất khẩu rau quả của cả nước trong năm 2021 vẫn đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so năm 2020; trong đó, có sự đóng góp chủ lực của xuất khẩu các loại trái cây, điều này minh chứng cho sự vượt khó, vươn lên mạnh mẽ và là động lực quan trọng cho ngành cây ăn trái trong năm mới 2022.

VƯỢT KHÓ

Nhìn một cách tổng thể, xuất khẩu rau quả của nước ta tăng liên tục từ năm 2010 và đạt đỉnh cao vào năm 2018. Theo số liệu của Bộ Công thương, nếu như vào năm 2010 kinh ngạch xuất khẩu (KNXK) rau quả của cả nước chỉ đạt 0,46 tỷ USD, thì các năm sau đó đã tăng dần và đạt 1,07 tỷ USD vào năm 2013, đạt 2,46 tỷ USD vào năm 2016 và đạt đỉnh cao vào 2018 với 3,81 tỷ USD; tốc độ tăng bình quân về KNXK trong giai đoạn này đạt 30,2%/năm. Trong 2 năm 2019 và 2020, KNXK rau quả của cả nước giảm so năm 2018, nhưng vẫn đạt mức khá cao tương ứng là 3,75 tỷ USD và 3,27 tỷ USD.

Dù chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng xuất khẩu trái cây vẫn mang lại nhiều dấu hiệu khả quan. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Dù chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng xuất khẩu trái cây vẫn mang lại nhiều dấu hiệu khả quan. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 làm cản trở và hạn chế thương mại giữa nước ta và các nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Dưới tác động của nhiều yếu tố, KNXK rau quả giảm trong nhiều tháng, mức thấp nhất là vào tháng 8-2021. Từ cuối tháng 9-2021, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, xuất khẩu phục hồi trở lại, tuy nhiên trị giá xuất khẩu vẫn duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân chính là hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp trở ngại. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam sang thị trường chủ lực này.

Cuối năm 2021, hoạt động thông quan hàng rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền gặp khó khăn do phía bạn tạm dừng thông quan kéo dài. Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng thông qua nhiều nỗ lực, KNXK hàng rau quả của cả nước vẫn tăng trong tháng 12 và cả năm 2021. Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng KNXK rau quả của Việt Nam trong năm 2021 đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so năm 2020.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của rau quả Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,907 tỷ USD, chiếm hơn 53% tổng KNXK, tiếp theo là thị trường ASEAN (hơn 273 triệu USD, chiếm 7,7%), thị trường Mỹ (gần 223 triệu USD, chiếm 6,3%), EU (hơn 193 triệu USD, chiếm 5,4%), Hàn Quốc (hơn 157 triệu USD, chiếm 4,4%)… Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam có những chuyển biến theo hướng giảm đối với thị trường Trung Quốc và tăng đối với các thị trường khác.

Nếu như năm 2017 thị trường Trung Quốc chiếm đến 75,7% KNXK rau quả của cả nước thì năm 2018 là 73,1%, năm 2019 là 64,8%, năm 2020 là 56,3% và năm 2021 chỉ còn hơn 53%. Điều này cho thấy xuất khẩu rau quả của việt Nam đang ngày càng chuyển biến theo hướng ít phụ thuộc vào một thị trường chủ lực và mở thêm các thị trường khác trên thế giới.

Nếu phân tích về cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu, thanh long là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt cao nhất so với các loại rau quả khác trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2018 KNXK thanh long của cả nước là 1,2 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng KNXK của toàn ngành rau quả; sang năm 2019 đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 33,4%; năm 2020 đạt 1,12 tỷ USD, chiếm 34,3% và năm 2021 đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 29,1%. Trái thanh long trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua và hiện tại, thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu là Trung Quốc, chiếm trên 70% tổng KNXK thanh long của Việt Nam; trong một số thời điểm có trên 90% sản lượng thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Trong năm 2021, các loại trái cây tươi có KNXK khá lớn (sau thanh long) là xoài (258,3 triệu USD), chuối (232,7 triệu USD), mít (182,4 triệu USD), sầu riêng (177,7 triệu USD), dừa (108,4 triệu USD). Các loại trái cây có mức tăng trưởng cao về KNXK so với năm trước là xoài (tăng 18,9%), chuối (tăng 47%), mít (tăng 30,1%), sầu riêng (tăng 53,2%)… Đối với nhóm sản phẩm chế biến, KNXK năm 2021 đạt 912,32 triệu USD (tăng hơn 16% so năm 2020), các mặt hàng chế biến tăng mạnh gồm: Trái cây sấy khô (tăng hơn 92%), sản phẩm chế biến từ dừa (tăng hơn 47%), nước chanh leo (tăng hơn 19%), sản phẩm chế biến từ trái dứa (tăng 59%)…

KỲ VỌNG KHỞI SẮC 

Thực tế vừa qua cho thấy, cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam đa dạng, đã có trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong thời gian qua. Chưa kể, hoạt động xúc tiến thương mại kỳ vọng được đẩy mạnh trong năm nay, góp phần duy trì thị trường cũ và mở rộng thêm thị trường mới. Bên cạnh đó, nhiều khả năng dịch Covid-19 trong năm 2022 sẽ được kiểm soát, hoạt động thông quan hàng hóa thuận lợi hơn. Đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ có tác động mạnh đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng.

KNXK rau quả của Việt Nam qua các năm (2010 - 2021).
KNXK rau quả của Việt Nam qua các năm (2010 - 2021).

Nhìn ở các thị trường trọng điểm, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thông quan hàng hóa của Việt Nam qua cửa khẩu biên giới đất liền trong các tháng đầu năm nay. Thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, điều đáng lo ngại là diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng nhanh, hiện có hơn 35.500 ha và nước này đang có xu hướng giảm nhập khẩu nhờ nguồn cung từ nội địa. Chưa kể, xoài của Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt của xoài Thái Lan, Đài Loan, Campuchia… làm ảnh hưởng xấu đến KNXK xoài vào thị trường này.

Tuy nhiên, từ kết quả xuất khẩu đạt được trong năm 2021 cho thấy, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc đang trở thành thị trường khó tính cho các mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nhập khẩu nói riêng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc để duy trì và tăng KNXK. Đối với thị trường EU, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quá trình vận chuyển và chi phí logicstics tăng cao.

Tuy nhiên, nhờ tận dụng tốt cơ hội EVFTA, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU tăng trưởng khả quan trong năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Bộ Công thương dự báo, năm 2022 KNXK hàng rau quả của Việt Nam sang EU tăng khoảng 10% - 15% so với năm 2021, đạt 212,61 - 222,3 triệu USD.

Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng những thuận lợi cơ bản trên đây đang kỳ vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có những khởi sắc trong năm 2022. Giới chuyên gia thương mại cho rằng, KNXK hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2021 tăng 8,6% so với năm 2020 là nhờ sự đa dạng thị trường xuất khẩu và ngành hàng rau quả Việt Nam đã khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới. Đó cũng là những cơ sở quan trọng để Bộ Công thương dự báo năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng khoảng từ 10% - 15% so với năm 2021, đạt 3,9 - 4,1 tỷ USD.

Để duy trì và tăng KNXK trong năm 2022 và những năm tới, điều cần thiết là phải có nguồn cung rau quả dồi dào cho xuất khẩu. Để có được điều này phải nhờ vào việc duy trì và tăng sản xuất rau quả, mặt khác nhà vườn và doanh nghiệp cần đổi mới tư duy và nhận thức về chất lượng và an toàn thực phẩm để rau quả xuất khẩu của Việt Nam đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà cung cấp trên thế giới.

TS. ĐOÀN HỮU TIẾN
Viện Cây ăn quả miền Nam

(Còn tiếp)

.
.
.