.
Áp lực đè nặng nông dân

Bài 1: Vì sao người dân đốn bỏ thanh long?

Cập nhật: 08:03, 29/03/2022 (GMT+7)

Bài 2: "Cơn bão" từ phân bón
Bài cuối: Đừng "đánh cược" vào sự may rủi
 

Giá cả bấp bênh; phân bón, xăng dầu tăng cao đã và đang tạo áp lực lớn đối với nông dân. Câu chuyện chuyển đổi sản xuất lại bắt đầu, nhưng chuyển đổi như thế nào, bắt đầu từ đâu không phải là bài toán dễ.

Có một thực tế đã và đang diễn ra là tình trạng người dân đốn bỏ thanh long để chuyển đổi sang cây trồng khác. Điều này xuất phát từ thực trạng giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài vừa qua.

1. Trở lại huyện Chợ Gạo, Tiền Giang vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi không còn bắt gặp cảnh người dân vận chuyển thanh long tấp nập như mọi khi. Dọc theo đường tỉnh 879D hướng về xã Quơn Long, hầu hết các vựa thanh long đều đóng cửa, tạm ngưng thu mua. Những vườn thanh long bạt ngàn giờ cũng vắng bóng người chăm sóc. Bởi lẽ, giờ đây giá thanh long xuống thấp, thanh long bán không ai mua, bỏ thì thương mà vương thì lỗ. Tình trạng này kéo dài thời gian qua, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội.

Người dân đốn bỏ vườn thanh long.
Người dân đốn bỏ vườn thanh long.

Trong chuyến công tác này, không khó để chúng tôi bắt gặp cảnh những vườn thanh long bị người dân phá bỏ. Đang bấm bụng phá bỏ đám thanh long trồng được khoảng 7 năm, anh Nguyễn Trúc Hiếu (ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) bùi ngùi nói: “Hồi đó, trồng thanh long cho thu nhập cũng ổn, nhưng giờ thì quá rẻ. 2 lứa gần nhất đều lỗ.

Lúc trước thì chăm sóc từng nhánh, giờ phải phá bỏ tiếc lắm chứ. Tôi phá 1,5 công thanh long này để chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Không riêng gì tôi, nhiều nhà ở đây phá bỏ thanh long lắm. Nhiều nhà không phá bỏ thì cũng ngừng chăm sóc, chứ giờ xông đèn thì biết bán cho ai”.

Xuôi về phía xã Quơn Long của huyện Chợ Gạo, chúng tôi tiếp tục bắt gặp cảnh nhiều vườn thanh long bị phá bỏ. Ông Bảy Mạnh (xã Quơn Long) cho biết, ông vừa phá bỏ 2 công thanh long gần 9 năm tuổi của gia đình. Lứa xông đèn nghịch vụ vừa rồi, vườn thanh long của ông lỗ gần chục triệu.

Theo ông Mạnh, ông quyết định phá bỏ vườn thanh long là do  giá quá rẻ và cây cũng đã lâu năm nên năng suất không cao. Ông dự định sẽ trồng dừa Xiêm do đây là loại cây dễ trồng và ông chưa thấy cây nào khác thích hợp hơn. Còn ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) cho biết, cũng như nhiều nông dân tại địa phương, những ngày qua, thanh long của các thành viên hợp tác xã không tiêu thụ không được.

Thời điểm này, nhiều thành viên của hợp tác xã cũng như người dân trồng thanh long đã ngừng xông đèn xử lý trái nghịch vụ. Trước khó khăn về đầu ra, một số người dân đã phá bỏ vườn thanh long. “Các vườn thanh long bị phá bỏ có vườn lâu năm, có vườn cũng mới trồng được vài năm. Nông dân nản quá nên bỏ thanh long chuyển sang trồng loại cây khác” - ông Tường cho biết thêm.

Trên thực tế, bên cạnh việc một số hộ dân chấp nhận phá bỏ vườn thanh long, cũng có nhiều hộ dân trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo vẫn quyết tâm bám trụ với cây thanh long với hy vọng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Huỳnh Công Dũng (ấp Quang Khương, xã Quơn Long) cho biết, gia đình ông vừa trồng lại 6 công thanh long ruột trắng được khoảng 8 tháng. Theo ông Dũng, mấy tháng qua, người dân trồng thanh long xung quanh đều thua lỗ. Gia đình ông đầu tư cũng nhiều tiền của cho đám thanh long rồi nên tình hình khó khăn này khiến ông rất lo lắng.

Ông Dũng chia sẻ: “Mình gắn bó mấy chục năm với cây thanh long rồi giờ phải đeo thôi. Giờ mà phá bỏ thì cũng không biết trồng cây gì, thành ra phải ráng đeo”.

2. Chợ Gạo là địa phương đứng đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh. Thanh long trong một thời gian dài được xem là cây góp phần nâng cao đời sống người dân, nên diện tích trồng tăng rất nhanh. Tuy nhiên, thời gian qua do giá bán bấp bênh, người trồng thanh long thua lỗ, nên phong trào trồng mới cũng đã chững lại.

Chợ Gạo là địa phương đứng đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh.
Chợ Gạo là địa phương đứng đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh.

Liên quan đến tình trạng người dân đốn bỏ thanh long gần đây, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết, hiện địa phương đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các xã nắm lại số diện tích thanh long già cỗi được người dân chuyển đổi cây trồng.

Hiện một số diện tích thanh long trồng lâu năm được người dân chuyển sang trồng dừa và một số cây trồng khác. Số liệu này đang được địa phương rà soát. Hiện huyện cũng chưa đưa ra khuyến cáo gì; bởi tình hình giá cả này rất khó thuyết phục nông dân.

Nhìn trên bức tranh tổng thể, diện tích trồng thanh long của Tiền Giang thời gian qua tăng khá nhanh tạo nên áp lực về sản lượng. Số liệu của Sở NN-PTNT gần đây cho thấy, vùng thanh long của tỉnh tính đến cuối năm 2020 có diện tích khoảng 9.690 ha, tăng 4.650 ha so với năm 2016 (tốc độ tăng bình quân 18%/năm); trong đó, huyện Chợ Gạo có diện tích trồng thanh long đứng đầu tỉnh, với khoảng 7.400 ha. Năng suất bình quân của thanh long cũng tăng nhanh qua các năm, từ 23 tấn/ha năm 2016 lên 33,4 tấn/ha năm 2020.

Từ đó, tổng sản lượng thanh long cũng tăng tương ứng với tăng năng suất và diện tích nhưng với tốc độ tăng nhanh hơn từ 116.407 tấn năm 2016 lên 248.621 tấn năm 2020, với tốc độ tăng bình quân 24%/năm. Với tốc độ tăng như vừa qua, thanh long đã vượt 29% về diện tích và 51% về sản lượng so với mục tiêu đến năm 2020.

Thực tế cho thấy, bên cạnh áp lực về sản lượng, giá cả xuống thấp gần đây cũng tạo nên gánh nặng cho người trồng thanh long. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, do chịu tác động mạnh của hạn, mặn, dịch Covid-19 và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên lợi nhuận trung bình 1 ha thanh long năm 2020 chỉ đạt 103 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 (năm 2019 đạt 541 triệu đồng).

Nếu sản xuất nghịch vụ thì lợi nhuận gấp 1,7 lần so với sản xuất chính vụ. Trong các năm qua, lợi nhuận thu được từ thanh long ruột đỏ đều tăng do thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao và có xu hướng tăng qua các năm, đây là nguyên nhân chính dẫn đến cơ cấu giống thanh long có sự thay đổi từ 32% thanh long ruột đỏ năm 2016 đến nay đã tăng lên 75%.

Tình hình tiêu thụ thanh long trong năm 2021 vừa qua cũng không mấy khả quan và kéo dài đến những tháng đầu năm 2022, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Bởi một lượng lớn thanh long Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng được xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Riêng Tiền Giang, theo con số từ Sở NN-PTNT, tổng sản lượng thanh long thu hoạch toàn tỉnh trong năm 2021 khoảng 240.000 tấn; trong đó: Xuất khẩu chính ngạch ước khoảng 3.000 tấn (chiếm khoảng 1%), xuất khẩu tiểu ngạch 150.000 tấn (chiếm khoảng 62%), cung cấp nhà máy chế biến 25.000 tấn (chiếm khoảng 11%); tiêu thụ nội địa dạng tươi khoảng 62.000 tấn (chiếm khoảng 26%).

Đặc biệt, trong năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh tương đối chậm, có thời điểm giá chỉ còn 1.000 - 4.000 đồng/kg. Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tình hình tiêu thụ thanh long cũng không mấy khả quan hơn do ảnh hưởng từ một số cửa khẩu phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra Covid-19 nên thông quan chậm, ảnh hưởng chất lượng thanh long, giá giảm mạnh.

Từ thực tế vừa qua, nhất là trước tình trạng cây thanh long hiện nay, cho thấy câu chuyện sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng còn khá nhiều tồn tại, vì thế gánh nặng của nông dân ngày càng lớn hơn.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

(Còn tiếp)

.
.
.