.

Bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa

Cập nhật: 09:09, 18/03/2022 (GMT+7)

 

a
Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022.

Hiện nay, nông dân các địa phương Nam Bộ đang thu hoạch lúa vụ đông xuân 2021-2022. Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2021-2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2022 tại Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long ngày 17-3, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, đây là vụ sản xuất đạt năng suất tốt nhưng do chi phí vật tư nông nghiệp, thuê nhân công tăng… khiến lợi nhuận của người trồng lúa bị giảm so với vụ trước.

Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2021-2022, khu vực Nam Bộ xuống giống hơn 1,57 triệu héc-ta lúa. Mặc dù vụ sản xuất này gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, qua thống kê, vụ sản xuất này vẫn đạt kết quả tốt khi năng suất ước đạt 71,91 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 11,3 triệu tấn.

Lợi nhuận giảm sâu

Qua báo cáo của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, vụ đông xuân 2021-2022, giá thành sản xuất lúa tăng khoảng 15 đến 20% so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao. Mặc dù vấn đề này đã được dự báo từ đầu vụ, người nông dân cũng chủ động áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn và giảm giá thành, nhưng với giá thu mua thóc tươi 5.500 đồng/kg thì lợi nhuận trung bình chỉ đạt 18 triệu đồng/ha.

Trong đó, các địa phương có lợi nhuận từ trồng lúa giảm sâu so với vụ đông xuân 2020-2021 như: Bạc Liêu, Sóc Trăng giảm 10 triệu đồng/ha, Hậu Giang giảm 16 triệu đồng, thành phố Cần Thơ giảm 14 triệu đồng, Vĩnh Long giảm 26 triệu đồng, Long An giảm gần chín triệu đồng… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết: “Vụ đông xuân 2021-2022, bà con nông dân xuống giống hơn 189 nghìn héc-ta lúa, năng suất đạt 72 tạ/ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên nguồn cung bị gián đoạn, dẫn đến chi phí phân bón tăng cao, ước giá thành sản xuất tăng từ 542 đến 766 đồng/kg cho nên kéo theo lợi nhuận giảm từ 14 đến 15 triệu đồng/ha so với cùng kỳ”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, vụ lúa đông xuân 2021-2022, xuống giống 182.196 ha, năng suất đạt 67,56 tạ/ha, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn. Nhằm bảo đảm sản xuất vụ này đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp tỉnh đã sớm xây dựng các kế hoạch để phát triển sản xuất cũng như chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nông sản giảm mạnh, trong khi đó chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng lúa. Mặc dù trong tháng 3, giá lúa tăng nhẹ từ 100 đến 400 đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ.

Ông Võ Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công (xã Phú Hữu, huyện Long Phú, Sóc Trăng) chia sẻ: “Vụ lúa đông xuân này, sau khi trừ hết các khoản chi phí sản xuất, lợi nhuận giảm hơn 30% so cùng kỳ năm 2021, do giá lúa giảm, giá phân bón tăng cao gấp đôi, gấp ba lần. Mặc dù lợi nhuận giảm nhưng thành viên hợp tác xã yên tâm phần nào vì lúa được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu”. Ông Nguyễn Văn Út (xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho biết: “Vụ đông xuân 2021-2022, gia đình tôi xuống giống lúa ST24 và được doanh nghiệp bao tiêu với giá 7.200 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 40 triệu đồng/ha. Nếu giá phân bón không tăng cao như hiện nay chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn”.

Chủ động tích, trữ nước bảo đảm sản xuất

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2022, toàn vùng Nam Bộ xuống giống khoảng 1.584 nghìn héc-ta lúa, phấn đấu năng suất đạt 56,78 tạ/ha, sản lượng gần chín triệu tấn. Dự kiến đến ngày 20/3, toàn vùng sẽ xuống giống được khoảng 305 nghìn héc-ta, đạt 20% kế hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ đông xuân để xuống giống lúa hè thu trong thời vụ tốt nhất; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bởi theo dự báo, những ngày cuối tháng 3, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm nhưng vẫn giữ mức cao, nguy cơ ảnh hưởng sản xuất.

a
Nông dân Long An thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, vụ hè thu, thu đông tới là những vụ sản xuất quan trọng. Vì vậy, các địa phương cần rà soát kỹ lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa nhằm thích ứng linh hoạt điều kiện thời tiết, thị trường; tích cực triển khai, hướng dẫn các biện pháp tích nước, trữ nước để bảo đảm sản xuất; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng; các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón, vật tư nông nghiệp.

Vụ hè thu năm nay, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch xuống giống 140.000 ha lúa, phấn đấu năng suất ước đạt 56,73 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 700.000 tấn. Trước tình hình xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần xuống giống trong khung thời vụ nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất; trong đó, lưu ý bố trí thời vụ tránh mặn, hạn ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cần tăng cường quan trắc, dự báo và thông tin kịp thời về nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn để nhân dân biết và chủ động ứng phó phù hợp; kiểm tra các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa; tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương để tận dụng tối đa nguồn nước và giảm thất thoát. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho rằng, để bảo đảm sản xuất và lợi nhuận cho người trồng lúa, các cơ quan chức năng cần có biện pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến nghị nông dân áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật trong sản xuất lúa, nhất là áp dụng biện pháp canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí đầu tư sản xuất, bảo đảm lợi nhuận sau thu hoạch.

Để bảo đảm vụ sản xuất này đạt kết quả cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần tập trung chỉ đạo, bố trí thời vụ và thời gian xuống giống hợp lý không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông và vụ mùa 2022, trong đó cần xây dựng kế hoạch thời vụ chặt chẽ đối với từng tiểu vùng sinh thái, đồng thời, tùy theo tiểu vùng sinh thái mà các địa phương sẽ chọn lựa cơ cấu giống phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh lúa giống, cây giống các loại; khắc phục và hạn chế việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất, kinh doanh đưa vào sản xuất; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, tuần tra, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn để kịp thời ứng phó nếu thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.

Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng các vùng nguyên liệu cung ứng theo yêu cầu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm gạo nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất…

Theo nhandan.vn

 

.
.
.