.

Du lịch Tiền Giang: Nỗ lực chuẩn bị trước "giờ G"

Cập nhật: 13:38, 11/03/2022 (GMT+7)

Sau hơn nửa năm triển khai Kế hoạch 297 ngày 25-9-2021 của UBND tỉnh Tiền Giang về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh đều hoạt động trở lại ổn định, liên tục tháng sau tăng hơn tháng trước, chỉ riêng lĩnh vực du lịch còn khó khăn.

Khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước).                              Khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước). Ảnh: LẬP ĐỨC                                                       								Ảnh: LẬP ĐỨC
Khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước). Ảnh: LẬP ĐỨC

CHỰNG LẠI DO DỊCH BÙNG PHÁT

Tiền Giang hiện có 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, 41 khu, điểm du lịch, 14 làng nghề truyền thống, 560 phương tiện vận chuyển khách du lịch, 266 cơ sở lưu trú du lịch, cùng với nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.

Kết luận trong Phiên họp thành viên UBND tỉnh tháng 3-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để sớm khôi phục hoạt động du lịch; trong đó, yêu cầu tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cấp cơ sở vật chất như: Sơn sửa lại tàu du lịch, nhà hàng, khu du lịch, các di tích…, nhất là chỉnh trang cảnh quan môi trường, cắt tỉa cây xanh, dọn cỏ rác…

Đồng chí lưu ý, nơi nào làm chưa tốt thì chưa cho hoạt động lại, nhằm giữ gìn hình ảnh, “thương hiệu” ngành Du lịch Tiền Giang. Đồng thời, nâng chất lượng các dịch vụ để phục vụ khách du lịch như nghiên cứu món ăn đặc trưng, quà lưu niệm đặc trưng, loại hình du lịch đặc trưng Tiền Giang…, tất cả nhằm tạo nét riêng so với du lịch chung của vùng sông nước ĐBSCL.

Đồng chí cũng yêu cầu rà soát lại các chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để ngành Du lịch Tiền Giang sẵn sàng cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi nhanh và tiếp tục phát triển bền vững...

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chỉ tiêu về du lịch bắt đầu giảm mạnh, tổng lượng khách đến Tiền Giang chỉ trên 740 ngàn lượt người, chỉ hơn 1/3 so với năm 2019, riêng khách quốc tế giảm tới 80% so năm trước đó; doanh thu chỉ đạt 255 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019.

Năm 2021 lĩnh vực du lịch bị tổn thất nặng nề do dịch bệnh, với gần 1.400 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, phương tiện... hoạt động trong lĩnh vực này phải tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, lượng khách du lịch giảm sâu, chỉ hơn 270 ngàn lượt người và hầu hết là khách trong nước, chưa bằng 15% so năm 2019. Như vậy, 2 năm liên tục, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang gần như bị “cách ly” với các hoạt động kinh tế, đời sống.

Cuối năm 2021, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 378 về phục hồi hoạt động du lịch. Tuy nhiên, mãi đến dịp Tết Nguyên đán 2022, du lịch Tiền Giang mới có dấu hiệu khởi sắc. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 ngày Tết Nguyên đán 2022, Tiền Giang đã đón được 98.956 lượt khách nội địa, gấp hơn 15 lần so với Tết Nguyên đán 2021.

GIẢI PHÁP “GIỮ NGUỒN LỰC”, CHUYỂN TRẠNG THÁI MỚI

Tại cuộc họp ngày 15-2 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới sẽ triển khai từ ngày 15-3.

Ngay sau đó, tại cuộc họp báo ngày 21-2, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho biết, bắt đầu từ ngày 15-3 sẽ mở rộng phạm vi với đối tượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound) thông qua các cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển...

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân,  trước những khó khăn trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp phù hợp, nỗ lực vượt qua các khó khăn để sớm khôi phục các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Trước hết là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, ngành đã lên kế hoạch phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ chủ các ngôi nhà cổ, các hộ làng nghề khôi phục, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, chuẩn bị phát triển các tour, tuyến du lịch mới, kể cả liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp ở Vĩnh Long và Bến Tre. Đặc biệt là chuẩn bị mở trở lại tour du lịch Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái - tâm linh đặc trưng của tỉnh.

Ngành cũng phối hợp với địa phương tiến hành giai đoạn II phục dựng lại Di tích lịch sử Đám lá tối trời, xây dựng nơi đây thành Trung tâm Lễ hội khu vực phía Đông tỉnh, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các các di tích lịch sử - văn hóa tại TX. Gò Công như Đền thờ Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Hoàng Gia, Làng nghề tủ thờ Gò Công… và đặc sản mắm tôm chà Gò Công, được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng phía Đông tỉnh.

Còn đối với vùng Trung tâm tỉnh, ngành triển khai khảo sát tuyến rạch Bà Ngọt (TP. Mỹ Tho) để đầu tư phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường Hùng Vương - Điền Lan Thôn Trang - chùa Vĩnh Tràng - Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho và cù lao Thới Sơn để hình thành thêm sản phẩm mới của vùng. Vùng phía Tây sẽ sớm khởi động lại điểm nhấn du lịch là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp phù hợp tình hình mới...

Khách du lịch đi thuyền đến tham quan cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho). 	Ảnh: Ý PHƯƠNG
Khách du lịch đi thuyền đến tham quan cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho). Ảnh: Ý PHƯƠNG

Tuy nhiên, đồng chí Võ Phạm Tân cũng cho biết, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động của du lịch Tiền Giang dựa trên các doanh nghiệp vừa, nhỏ, các doanh nghiệp lữ hành lệ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nên tiến độ phục hồi ngành Du lịch tỉnh sẽ liên quan trực tiếp đến ngành Du lịch của các địa phương trên.

Trước mắt, Sở đã phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức trên 8 đoàn gồm các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh khảo sát các tuyến, điểm du lịch để xây dựng tour, tuyến liên kết phát triển du lịch gắn với mời gọi đầu tư phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá các thị trường du lịch trọng điểm, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch...

Bên cạnh đó, ngành đã triển khai công tác đảm bảo cho việc tái hoạt động tại các điểm tham quan, dịch vụ lưu trú và lữ hành, bao gồm: Chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch hoạt động đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19, kể cả tổ chức tập huấn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và các phương án xử lý tình huống liên quan đến dịch Covid-19. Chuẩn bị tham mưu UBND tỉnh xây dựng lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 11 ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (khi có hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ngoài việc nâng chất cơ sở vật chất và đầu tư khôi phục, phát triển các sản phẩm du lịch, đồng chí Võ Phạm Tân cho biết, sắp tới, ngành Du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác ứng dụng Marketing điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 vào mời gọi nhà đầu tư để thu hút các dự án FDI và nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, xem đây là kênh vừa huy động nguồn vốn đầu tư, vừa tiếp thu công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong ứng dụng phát triển du lịch.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang, Bản đồ du lịch điện tử, Ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh (smartphone) TienGiang Tourism, trên mạng xã hội..., đặc biệt sẽ nghiên cứu các thị trường du lịch quốc tế đã kiểm soát dịch Covid-19 để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch của Tiền Giang, kể cả kết nối các kênh truyền thông quốc tế có uy tín chuẩn bị cho lộ trình tỉnh mở cửa đón khách quốc tế.

PHÙNG QUỐC ANH



 

.
.
.