.

Xăng, dầu tăng giá, hàng hóa rục rịch tăng theo

Cập nhật: 09:55, 11/03/2022 (GMT+7)

Trước tác động của xăng, dầu tăng giá, nhiều loại hàng hóa đã “rục rịch” tăng, tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa đang nỗ lực giữ giá.
Nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa đang nỗ lực giữ giá.

Từ 15 giờ ngày 1-3, giá xăng tăng thêm hơn 500 đồng/lít, cụ thể xăng E5, RON 92 có giá 26.007 đồng/lít, xăng RON 95 26.830 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng, dầu Diesel có giá 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít, dầu Mazut 18.460 đồng/kg. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ giữa tháng 12-2021 đến nay. Tuy nhiên, đây chưa phải là cột mốc cuối cùng, bởi theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, giá xăng có thể tăng đến mức khoảng 30.000 đồng/lít.

GIÁ THỰC PHẨM BIẾN ĐỘNG

Thời điểm này, giá xăng, dầu tăng đã tác động đến giá cả một số mặt hàng, đặc biệt là nhóm thực phẩm tươi sống. Dù giá cả biến động không nhiều, nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Xuân (tiểu thương chợ Thạnh Trị, phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, những ngày qua, giá trứng có tăng nhưng chậm chứ không tăng đột biến, tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/chục (tùy loại). Nguyên nhân là do nguồn cung hạn chế và tác động của giá xăng, dầu.

Còn tại chợ Phường 1, TP. Mỹ Tho, theo một số tiểu thương, giá một số loại nông sản ngoài tỉnh cũng đã tăng nhẹ những ngày qua. Chị Trần Thị Giàu (tiểu thương chợ Phường 1) cho biết, do giá xăng, dầu tăng dẫn đến nhiều mặt hàng đều tăng theo. Các loại nông sản như: Bông cải, ớt… nhập từ Đà Lạt có giá đều tăng khoảng 20.000 đồng/kg. Các mặt hàng khác giá bình ổn, không tăng nhiều. Giá nông sản tăng dẫn đến sức mua chậm.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre, từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay, doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”. Hiện doanh nghiệp phải mua xăng, dầu với giá cao hơn giá bán lẻ ngoài thị trường. Cụ thể như giá xăng, doanh nghiệp phải mua cao hơn giá thị trường 200 đồng/lít. Mỗi ngày doanh nghiệp bán hơn 200 m3 xăng và phải chịu lỗ khoảng hơn 200 triệu đồng.

Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Nếu tình hình này còn kéo dài thì sẽ rất khó khăn, khả năng nhiều doanh nghiệp không trụ nổi, bởi nguồn cung xăng dầu không đảm bảo, mà doanh nghiệp bán ra không có lời, thậm chí là lỗ.

Còn tại khu vực tập trung nhiều vựa nông sản trên đường Phan Thanh Giản (phường 2, TP. Mỹ Tho), nhiều chủ vựa cho biết, những ngày này, sức tiêu thụ chậm, trong khi chi phí vận chuyển tăng.

Theo chị Cao Thị Như Thủy, chủ vựa nông sản Thủy (phường 2, TP. Mỹ Tho), hiện sức mua các mặt hàng nông sản tại vựa giảm rất nhiều. Lúc trước, bạn hàng lẻ mua nhiều, nhưng hiện chỉ còn những bạn hàng lớn. Sức mua giảm khoảng 50% so với trước dịch. “Giá xăng, dầu tăng kéo theo chi phí vận chuyển tăng, buộc mình phải cộng thêm khoản chi phí này vào giá bán, nhưng khi tăng giá thì lại bán không được. Có thời điểm, vựa của tôi phải bán giá vốn, có khi chịu lỗ để giải quyết nguồn hàng tồn, buôn bán lúc này khó kiếm đồng lời”, chị Thủy chia sẻ.

Không riêng gì mặt hàng rau củ, giá các mặt hàng tươi sống những ngày qua cũng “rục rịch” tăng theo giá xăng. Theo chị Trần Hồng Ngọc, tiểu thương chợ Phường 1, TP. Mỹ Tho, do giá xăng, dầu tăng nên giá nhập thịt heo đã tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. “Lúc trước, sườn heo có giá khoảng 150.000 đồng/kg, hiện đã tăng lên khoảng 160.000 - 170.000 đồng/kg, ba rọi tăng từ 110.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg. Các bạn hàng lấy thịt heo của sạp tôi ai cũng than bán ế. Tình hình tiêu thụ chậm là do giá heo tăng và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu giá tăng nữa thì sẽ rất khó bán”, chị Ngọc cho biết thêm.

NỖ LỰC GIỮ GIÁ

Thực tế cho thấy, trước tác động của giá xăng, dầu, trên thị trường, một số hàng hóa thuộc nhóm hàng nông sản, thực phẩm tươi sống có biến động theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn giữ mức giá ổn định. Để không xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực giữ giá.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc HTX Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang), hiện giá xăng, dầu chưa tác động nhiều đến việc vận hành, sản xuất của các nhà máy. Do đó, các nhà cung ứng chưa có thông tin sẽ tăng giá hàng hóa. Mặt khác, do thời điểm này, hàng hóa tiêu thụ chậm, nhất là mặt hàng nông sản, hàng thiết yếu… sức tiêu thụ giảm từ 5% - 10%, giá không tăng. Theo ông Sơn, hiện cước phí vận chuyển hàng hóa, nông sản từ Tiền Giang ra Hà Nội không tăng do nhiều doanh nghiệp vận tải đang có ít đơn hàng. Do đó, họ vẫn giữ giá, thậm chí là bù lỗ để giữ khách hàng. Các đơn vị này cũng chưa có thông tin sẽ tăng cước phí.

Còn theo bà Phạm Đức Phương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, hiện siêu thị đang giữ giá bình ổn hàng hóa. Nhìn chung, đến thời điểm này, giá xăng, dầu tăng chưa ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tại siêu thị. Nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, siêu thị đã áp dụng giảm thuế VAT. Cụ thể, từ tháng 2-2022, siêu thị đã áp dụng mức thuế VAT giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết 43 của Chính phủ. Khách hàng có thể kiểm tra thông tin thuế trên trang hóa đơn mua hàng khi mua sắm tại siêu thị.

Hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, thời trang may mặc… đã được áp dụng giá bán mới, giảm 2% thuế VAT. Ngoài ra, siêu thị còn giảm giá rất nhiều mặt hàng từ 10% - 50% đối với từng nhóm hàng luân phiên theo chương trình khuyến mãi như: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc… nhằm thu hút khách hàng.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.