.

Điểm sáng nhìn từ PCI

Cập nhật: 10:08, 29/04/2022 (GMT+7)

Kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào sáng 27-4, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Tiền Giang đạt 64,41 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây được xem là một trong những điểm sáng; bởi năm 2021 cùng với cả nước, Tiền Giang chịu tác động từ rất nhiều yếu tố bất lợi, nhất là sự càn quét của dịch Covid-19.

Nhìn vào Chỉ số PCI (PCI - Provincial Competitiveness Index) của Tiền Giang trong những năm gần đây cũng cho thấy đã có sự chuyển động theo hướng tích cực. Đây là kết quả nỗ lực không ngừng của Tiền Giang trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC

Trên bình diện tổng thể, năm 2021 là năm đặc biệt, khi dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Nhiều chuỗi ngành hàng đứt gãy, sản xuất đình trệ, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua nhiều giải pháp, PCI năm 2021 của Tiền Giang được ghi nhận có sự chuyển biến tích cực khi đạt 64,41 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2020.

Đây có lẽ là mức tăng thứ bậc khá cao trong nhiều năm gần đây của PCI Tiền Giang và là mức thứ hạng cao nhất của PCI Tiền Giang nếu tính từ năm 2013 đến nay. Một trong những điểm đáng chú ý trong PCI năm 2021 của Tiền Giang là nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực, nhất là đối với một số chỉ số như: Tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động…

Tiền Giang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tiền Giang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nhìn ở khía cạnh khác, trong điều kiện khó khăn trong năm 2021, nhất là tác động của dịch Covid-19 lên rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhưng PCI của Tiền Giang lại tăng khá cao cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương và sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Bởi, nếu nhìn nhận một cách công bằng, vị trí của mỗi tỉnh, thành nói chung, PCI của Tiền Giang rất khó thay đổi nhanh, một phần là do thứ hạng những năm trước của Tiền Giang tương đối thấp, nhưng phần lớn là do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Thực tế cho thấy rằng, Tiền Giang phấn đấu cải thiện PCI thì các tỉnh, thành khác cũng cố gắng thay đổi hình ảnh. PCI năm 2021 của Tiền Giang cải thiện đáng kể và được ghi nhận từ các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là điều rất tốt và thể hiện sự kiên trì của Tiền Giang trong quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI trong nhiều năm.

Phân tích thêm từ các chuyên gia cho thấy, Tiền Giang phấn đấu tăng Chỉ số PCI thì các tỉnh, thành khác cũng cố gắng thay đổi hình ảnh và cũng rất khó so sánh về mặt thứ hạng giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Bởi lẽ Tiền Giang, đặc biệt là TP. Mỹ Tho, có lịch sử hình thành lâu dài, với rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, nên đòi hỏi của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng “khắt khe” hơn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

Chưa kể, Tiền Giang đang nổi lên là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này chứng tỏ, Tiền Giang có sức hút nhất định đối với các nhà đầu tư. Song song với các dự án FDI là sự thu hút nguồn lao động ở địa phương, trên cơ sở đó doanh nghiệp trong nước cũng sẽ đầu tư vào Tiền Giang.

Còn dưới góc nhìn của doanh nghiệp, trao đổi về quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, những năm gần đây Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung quyết liệt vào chương trình phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là chủ động đối thoại với doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp thỏa mãn và an tâm để phát triển sản xuất, kinh doanh. Với đà như hiện nay, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng trong các năm tiếp theo Chỉ số PCI của Tiền Giang sẽ được cải thiện một cách đáng kể hơn.

HÀNH ĐỘNG KỊP THỜI

PCI nói riêng, những điểm sáng của tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2021 của Tiền Giang nói chung có lẽ được khơi nguồn từ những chủ trương, chính sách được ban hành và những hành động mang tính kịp thời của tỉnh.

Một trong những động thái rõ nét nhất là ngay sau khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các kịch bản để Tiền Giang trở lại những ngày bình thường mới.

Để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2021, ngày 25-9-2021 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 267 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2021; ngày 1-10-2021 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 287 về khôi phục hoạt động SXKD cho các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và ngày 17-10-2021 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch 295 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần cùng với cả nước sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Nhờ những chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời đã giúp nhiều lĩnh vực kinh tế quay lại SXKD, từng bước ổn định và vượt qua khó khăn.

 

Trong nhóm các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; đặc biệt là trước thông tin Chỉ số PCI năm 2020 của Tiền Giang do VCCI công bố ngày 15-4-2021 (chỉ đạt được 62,8 điểm, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành thuộc nhóm trung bình) và xếp thứ 9/13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đòi hỏi của thực tiễn và thực hiện Nghị quyết 02 ngày 1-1-2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, ngày 29-1-2021 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 26 để triển khai thực hiện.

Một trong những nội dung cốt lõi là UBND tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp.

Từ mục tiêu chung, Tiền Giang đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh Tiền Giang; đồng thời, tỉnh đã triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, chủ động nắm bắt hoạt động SXKD của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, các sở, ngành, các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu để đầu tư tại địa phương.

Các hoạt động này được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính và doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bắt đầu từ rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2021 Tiền Giang đã thu hút được 15 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.827 tỷ đồng; đồng thời, có 5 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vốn hơn 4.114 tỷ đồng...

Đây cũng là tín hiệu lạc quan trong điều kiện đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Điều này cũng đã góp phần quan trọng vào sự cải thiện chỉ số PCI của Tiền Giang trong năm 2021.

THẾ ANH

.
.
.