Để sơ ri Gò Công phát triển bền vững
Sơ ri là cây ăn trái đặc sản ở khu vực Gò Công nói chung và huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nói riêng. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cây ăn trái đặc sản này là bài toán không dễ tìm lời giải.
Nông dân chăm sóc vườn sơ ri. |
Từ lâu cây sơ ri được xem là cây xóa khó giảm nghèo của vùng đất ven biển Gò Công do dễ trồng, ít công chăm sóc, năng suất cao và cho trái thường xuyên. Tiềm năng phát triển cây sơ ri huyện Gò Công Đông là rất lớn, nhưng đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, giá không ổn định. Trong khi đó, giá vật tư, nhân công tăng, khiến nhiều hộ dân không còn tha thiết với cây sơ ri dẫn đến diện tích cây trồng này hằng năm giảm dần.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, đến tháng 4-2022, diện tích sơ ri trên địa bàn huyện là 134,8 ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã: Bình Nghị, Bình Ân, Kiểng Phước và Tân Đông.
Ông Nguyễn Văn Hòa (ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông) có nhiều năm gắn bó với cây sơ ri cho biết, hiện gia đình ông trồng trên 150 cây sơ ri giống Brazil. Giống sơ ri này cho năng suất cao hơn so với sơ ri nội địa và sơ ri ngọt, năng suất bình quân đạt 8 tấn/1.000 m2/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư, phân bón tăng cao, trong khi giá bán trái sơ ri hiện 4.900 đồng/kg, nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận không cao.
Còn ông Lê Văn Phùng (ấp Kinh Trên, xã Bình Ân) trồng 50 gốc sơ ri ngọt đã trên 10 năm, chia sẻ, hiện trái sơ ri của ông bán giá 5.600 đồng/kg, vào thời điểm sơ ri chính rộ giá chỉ còn 4.000 đồng. Ông đang xin tham gia làm thành viên Hợp tác xã (HTX) sơ ri Gò Công Đông để đầu ra trái sơ ri ổn định hơn.
Nông dân thu hoạch trái sơ ri. |
Ông Huỳnh Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sơ ri Gò Công Đông cho biết, hiện HTX sơ ri Gò Công Đông có 150 thành viên tại 4 xã trên địa bàn huyện. HTX và doanh nghiệp thu mua trái sơ ri đã ký kết hợp đồng tiêu thụ đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Hiện nay, HTX sản xuất sơ ri theo hướng sạch, quy trình canh tác được thực hiện theo hướng dẫn của đơn vị thu mua.
Dù năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, nhưng việc tiêu thụ trái sơ ri của HTX không bị ảnh hưởng. Do nhận thấy lợi ích khi tham gia vào HTX nên nhiều nông dân trồng sơ ri tại 4 xã trên địa bàn huyện xin tham gia. Hiện HTX được cấp chứng nhận sản xuất sơ ri đạt chuẩn VietGAP, trên diện tích 10 ha của 20 hộ dân để phục vụ cho nhu cầu đa dạng khi thị trường cần thiết.
Theo UBND huyện Gò Công Đông, trong thời gian tới, để trái cây đặc sản này có thị trường ổn định và phát triển theo hướng bền vững, việc sản xuất sơ ri sạch và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là vấn đề mà chính quyền địa phương cần quan tâm.
Đồng thời, chính quyền cần thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất sơ ri sử dụng các loại phân, thuốc vi sinh, sinh học phù hợp để đảm bảo năng suất và chất lượng của sản phẩm, giảm chi phí cho người trồng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần mời gọi các doanh nghiệp, đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến để tiêu thụ trái sơ ri tươi và đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái sơ ri để giải quyết đầu ra sản phẩm như làm rượu, làm mứt, làm nước ép giải khát…
QUỐC TOÀN - LÝ OANH