.
Khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang:

Sản xuất lúa vụ hè thu nhiều "áp lực"

Cập nhật: 09:05, 06/05/2022 (GMT+7)

Thời điểm này, nông dân các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương xuống giống vụ lúa hè thu theo khung lịch thời vụ. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao khiến vụ mùa càng thêm áp lực.

Ông Tiết làm đất chuẩn bị xuống giống lúa hè thu.
Ông Tiết làm đất chuẩn bị xuống giống lúa hè thu.

Năm nay, do nguồn nước thuận lợi, mùa mưa đến sớm nên nông dân các huyện, thị phía Đông xuống giống sớm hơn năm 2021. Căn cứ vào diễn biến của nguồn nước, ngành Nông nghiệp đã đưa ra khung lịch gieo sạ từ ngày 1 đến 10-5.

Ghi nhận tại huyện Gò Công Tây, hiện nay, phần lớn nông dân đã xuống giống vụ lúa hè thu. Nhiều diện tích gieo sạ trước lịch thời vụ hiện đang trong giai đoạn dặm, tỉa. Vụ lúa hè thu năm nay, gia đình anh Đỗ Hữu Đức (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) xuống giống 1,5 ha giống Nàng hoa 9. Năm nay, do mưa đến sớm nên việc xuống giống sớm hơn năm trước. 1 ha đất xuống giống khoảng 1 tuần trước hiện đã phát triển tốt do thời tiết tương đối thuận lợi. Hiện nay gia đình anh đang tập trung xuống giống 0,5 ha còn lại để đảm bảo tính đồng loạt với các diện tích lúa xung quanh.

Nông dân xuống giống vụ lúa hè thu.
Nông dân xuống giống vụ lúa hè thu.
Theo ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (xã Trung An, TP. Mỹ Tho), hiện giá phân u rê tạm thời chựng lại. Riêng phân bón DAP và kali vẫn tiếp tục tăng. Hiện nay, do khó khăn chung nên giá phân bón vẫn chưa thể hạ nhiệt. Với giá phân bón cao và giá lúa vẫn ở mức thấp như hiện nay thì rất khó cho nông dân trong việc sản xuất. Dự báo, trong thời gian tới, giá phân bón sẽ tiếp tục “leo thang”.

Cách đó không xa, vợ chồng anh Vương Văn Mười Ba (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) đang dặm ruộng lúa đã gieo sạ được 15 ngày. Theo anh Ba, năm nay, thời tiết thuận lợi nên trà lúa phát triển tốt, cây ít bị chết nên không tốn nhiều công tỉa, dặm. Tuy nhiên, cũng như nhiều nông dân khác, việc sản xuất lúa của anh cũng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao.

Anh Ba cho biết: “Hiện tôi đã rải 2 lần phân cho vụ lúa này. Do giá phân cao quá nên tôi rải rất tiết kiệm. Vừa qua, tôi mua phân đạm Cà Mau với giá 900.000 đồng/bao 50 kg, phân DAP 1,5 triệu đồng/bao 50 kg. Mức giá này tăng hơn gấp đôi so với những năm trước. Giá phân tăng quá cao nên nếu lúa không đạt năng suất, nông dân sẽ không có lãi, thậm chí bị lỗ. Ở đây, có khoảng 50% người thuê đất để làm lúa đã dừng thuê do chi phí tăng quá cao”.

Nông dân chăm sóc trà lúa hè thu.
Nông dân chăm sóc trà lúa hè thu.

Còn tại TX. Gò Công, việc xuống giống vụ lúa hè thu có phần muộn hơn so với huyện Gò Công Tây. Nông dân tập trung xuống giống từ đầu tháng 5 cho đến nay. Đang làm đất để chuẩn bị gieo sạ, ông Trần Văn Tiết (ấp Sơn Quy B, xã Tân Trung, TX. Gò Công) cho biết, vụ lúa này, hơn 4 công đất của gia đình gieo sạ giống lúa Nàng hoa 9. Do giá phân bón quá cao, cộng thêm tác động của giá xăng, dầu dẫn đến chi phí thuê máy cày, thu hoạch, nhân công cũng tăng theo. Điều này khiến người trồng lúa càng thêm áp lực.

“Vụ lúa đông xuân vừa rồi trúng mùa mà bán không được giá, mỗi công tôi chỉ thu được khoảng 3,5 triệu đồng, thấp hơn khoảng 1 triệu đồng so với năm trước. Làm 1 vụ lúa kéo dài 3 tháng, không tính công nhà, mỗi vụ lúa cao lắm nông dân cũng chỉ lời hơn 1 triệu đồng, còn lúc thất mùa có thể lỗ” - ông Tiết bày tỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, vụ lúa hè thu 2022, toàn vùng xuống giống 20.530 ha; trong đó huyện Chợ Gạo 200 ha, huyện Gò Công Tây 8.200 ha, huyện Gò Công Đông 8.000 ha, TX. Gò Công 4.130 ha. Cơ cấu giống là các giống lúa chất lượng cao, thích nghi, phù hợp với thị trường tiêu thụ như : VD 20, ST 24, OM 7347, Nàng hoa 9, OM 5451… Với điều kiện sản xuất 2 vụ/năm, ngành Nông nghiệp ưu tiên khuyến cáo sử dụng các giống lúa dài ngày, chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nông dân đang tập trung xuống giống để kịp lịch thời vụ.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất vụ lúa hè thu, ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Trước áp lực về giá vật tư nông nghiệp, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hướng dẫn các giải pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả nhằm giúp cho người dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường trước điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.