.

Xuất khẩu nông thủy sản tăng tốc

Cập nhật: 21:44, 02/05/2022 (GMT+7)

Sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 tới nay, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông thủy sản đang phải hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Cùng với đó, để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường tốt hơn, chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm như EU, Nhật Bản, châu Phi… cũng liên tục được Bộ Công thương tổ chức.

Chế biến nông sản tại Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chế biến nông sản tại Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dồn dập đơn hàng

Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng, giá cả tăng vọt và hàng triệu người có nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng. Đặc biệt, nguồn cung lương thực cơ bản như lúa mì, bắp… đang bị hạn chế, đứt gãy. Đây cũng là điều dễ hiểu khi các DN xuất khẩu nông thủy sản trong nước cho biết đang phải hoạt động hết công suất để kịp thời giao hàng theo đơn đã ký kết đến hết quý 2 và quý 3-2022. Riêng quý 1-2022, xuất khẩu nhóm nông sản chính của Việt Nam đã đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ. 

Ông Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) thông tin, DN đã ký đơn hàng đến hết quý 2-2022 với lượng xuất khẩu bình quân 200 container/tháng. “Các thị trường như EU, Mỹ... đều tăng trưởng tốt với mức tăng tới 30%, giá các sản phẩm cũng tăng cao”, ông Văn phấn khởi.

Với ngành hàng lúa gạo, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết, gần đây, 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đẩy mạnh thu mua sau khi thu hoạch mùa vụ và cân đối sản lượng của họ.

“Việc này đang tác động tích cực tới xuất khẩu gạo nói chung của Việt Nam. Riêng công ty chúng tôi dù chỉ xuất khẩu gạo thơm Nhật sang Philippines, song tín hiệu thị trường tại đây rất khả quan khi nhà nhập khẩu đặt hàng tăng lên rõ rệt”, ông Có nói.

Tương tự, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay, nhu cầu thế giới về lương thực đang rất cao và nhiều thị trường như Hàn Quốc, EU đang gia tăng nhập khẩu gạo, tạo tâm lý lạc quan cho DN.

“Hiện chúng tôi đang thực hiện giao theo hợp đồng hơn 15.000 tấn gạo 100% tấm qua thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty đang thực hiện một số hợp đồng xuất khẩu gạo sang EU số lượng trên 100 container trong năm 2022”, ông Bình cho biết thêm.

Ở góc độ khác, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, rất nhiều DN rau quả đều đã có đơn hàng đến hết quý 2-2022, thậm chí có DN đã ký đến hết quý 3-2022. Điều này cho thấy thị trường đang hồi phục tích cực, tạo cơ hội cho rau củ quả gia tăng thị phần sau thời gian dài ảm đạm do dịch bệnh. 

Tăng tốc “phủ” thị trường

Nhìn nhận về xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam đã có nhiều tín hiệu lạc quan trở lại ở hầu hết các thị trường như EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi…

Điển hình tại EU, nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản từ Việt Nam đã hồi phục rõ rệt. Trên thực tế, với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA), có khoảng 220 dòng thuế các sản phẩm thủy sản Việt Nam có thuế suất 0-22%. Số dòng thuế còn lại được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm. Đây là cơ sở quan trọng để nông, thủy hải sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá, từ đó tăng độ “phủ” tại thị trường EU.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, những tín hiệu phục hồi kinh tế cộng với lợi thế các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đã và đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho DN tăng tốc “phủ sóng” nhiều thị trường xuất khẩu. 

Trong bối cảnh đó, nhằm giúp DN rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường, tránh những rủi ro xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp cùng thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thực hiện loạt phiên tư vấn xuất khẩu trực tuyến. Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, thương vụ đã kết nối, mời diễn giả là đại diện các nhà nhập khẩu quan trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ, gồm: Công ty TNHH Gia vị Donmezler về sản phẩm nông sản, gia vị; Công ty TNHH Sản phẩm nông nghiệp IDEAL (VERITA) về hoa quả tươi; Công ty VT Travel and Trade về hàng thủ công mỹ nghệ… trao đổi kinh nghiệm xuất nhập khẩu cho DN Việt Nam tham gia phiên tư vấn.

Các đối tác nhập khẩu cũng cho rằng, để tiếp cận thị trường xuất khẩu an toàn, DN Việt cần chủ động tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm quy mô lớn ở các nước sở tại. Đây là cơ hội để DN tăng cường nắm bắt các hợp tác kinh doanh với DN phân phối, chế biến tại các nước.

Các phiên tư vấn xuất khẩu của Bộ Công thương chủ yếu hướng dẫn, hỗ trợ DN cập nhật quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các thị trường trên thế giới với một số sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam để từ đó áp dụng và tuân thủ. Đồng thời tư vấn, giải đáp các vấn đề DN quan tâm liên quan đến xuất, nhập khẩu với các thị trường nước ngoài như yêu cầu về chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu...

(Theo www.sggp.org.vn)
 

 

 

 

.
.
.