.

Xuất nhập khẩu hàng hóa hướng tới mục tiêu bền vững

Cập nhật: 13:48, 14/05/2022 (GMT+7)
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Liên tục duy trì kim ngạch tăng trưởng 2 con số và xuất siêu ở mức cao, giai đoạn vừa qua, xuất nhập khẩu hàng hóa được đánh giá là một trong những điểm sáng của nền kinh tế đất nước. Thời gian tới, thay vì tập trung vào con số, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang dần tiến dần đến mục tiêu bền vững.

Điểm sáng xuất nhập khẩu

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu, nhất là vào giai đoạn quý III/2021 khiến cộng đồng doanh thủy sản lo ngại về mục tiêu xuất khẩu 8,8 tỷ USD cho cả năm. Nhưng ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm đưa kết quả cả năm 2021 vượt trên mong đợi với trên 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết, kết quả này có được trước hết là nhờ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới, giúp cho sản xuất, xuất khẩu thủy sản nhanh chóng hồi phục. Bên cạnh đó là sự đồng hành, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các bộ, ngành liên quan. “Bản thân nhiều doanh nghiệp thủy sản sau nhiều năm hoạt động xuất khẩu cũng đã rất nỗ lực, linh hoạt, tìm mọi biện pháp để dự trữ nguyên liệu bảo đảm duy trì việc chế biến thành phẩm, khắc phục những khó khăn rất lớn về thiếu tàu, thiếu container, cước vận chuyển tăng cao…”, ông Hòe phân tích.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và đã đóng góp rất tích cực vào thành tích xuất nhập khẩu nói chung. Xuất khẩu cũng được xem là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong những năm vừa qua. Nhìn lại quá trình phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua mới thấy rõ sự tăng trưởng vượt trội của lĩnh vực này. Bởi ở giai đoạn đầu, ngành công thương được hình thành (những năm 50 của thế kỷ trước), hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn rất nhiều hạn chế. Năm 1955, hoạt động xuất khẩu chỉ được thực hiện bó hẹp với thị trường 10 nước, đến 1969 tăng lên 30 nước.  

Bước vào giai đoạn sau giải phóng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy quản lý, điều hành. Ngay từ những năm đầu thực hiện “đổi mới” và “mở cửa, Nghị quyết của Đại hội Đảng đã thể hiện “xuất khẩu là mũi nhọn có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong 5 năm này (1986-1990), đồng thời cũng là khâu chủ yếu của toàn bộ các quan hệ kinh tế đối ngoại”.

Các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển xuất khẩu được thể hiện và cụ thể hóa tại các Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa qua từng thời kỳ. Những chính sách của Đảng, Nhà nước giai đoạn này đã mở ra cơ hội giúp hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu gặt hái được một số thành công nhất định. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ đó đến nay cũng được hiện thực hóa thông qua hàng loạt các Chiến lược, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020 được coi là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Giai đoạn này, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời kỳ 2011-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch song kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt mức kỷ lục. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5% - theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Với kết quả trên, năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định: “Kết quả xuất nhập khẩu ấn tượng của năm 2021 nói riêng và thời gian qua nói chung đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, cả ở quy mô cả nước lẫn quy mô tỉnh, thành phố”. 

Điểm mới từ Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 được đánh giá là vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

Hướng hoạt động xuất nhập khẩu đến mục tiêu bền vững.
Hướng hoạt động xuất nhập khẩu đến mục tiêu bền vững.

Khắc phục những điểm hạn chế đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Đảng trong giai đoạn mới, quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế-thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Chiến lược có nhiều điểm nhấn quan trọng, cả về quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện Chiến lược. Cụ thể, Chiến lược đề cập 3 quan điểm, tương ứng với các yếu tố liên quan đến phát triển xuất nhập khẩu: chất lượng tăng trưởng; động lực của tăng trưởng và phương thức, định hướng tăng trưởng.

Bà Nguyễn Cẩm Trang thông tin: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đề ra 6 nhóm giải pháp: Phát triển sản xuất (bao gồm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp), tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

“Một trong những điểm mới trong Quan điểm Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 là nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong phát huy lợi thế so sánh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hướng tới xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững thời gian tới”, bà Nguyễn Cẩm Trang chia sẻ.

(Theo nhandan.vn)


 

 

 

 

.
.
.