.

Phẩm cấp gạo Việt Nam có sự dịch chuyển theo chính sách mới của nhà nhập khẩu

Cập nhật: 20:44, 22/06/2022 (GMT+7)

Chính sách nhập khẩu từ các thị trường lớn thay đổi, đặc biệt là Philippines, đã có tác động dịch chuyển sản xuất gạo của Việt Nam từ phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao trong những năm gần đây.

Chất lượng gạo Việt Nam được nâng lên nhờ lực kéo của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Trung Chánh
Chất lượng gạo Việt Nam được nâng lên nhờ lực kéo của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” diễn ra vào hôm nay, 22-6, ở TP Cần Thơ, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), cho biết trước đây xuất khẩu gạo Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia và Bangladesh với các hợp đồng tập trung cấp Chính phủ. “Lúc bấy giờ, khách hàng nhập khẩu gạo chất lượng trung bình, chủ yếu là 15% tấm và 25% tấm”, ông Diệu cho biết.

Tuy nhiên, khi Philippines – thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay – chuyển đổi cơ chế nhập khẩu từ tập trung chất lượng trung bình, sang cơ chế giao cho tư nhân nhập gạo chất lượng cao đã tạo ra “cú hích” rất lớn cho ngành gạo, mà cụ thể là sản xuất lúa của Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn từ sản phẩm cấp thấp sang chất lượng cao, lúa thơm.

Cụ thể, vụ đông xuân 2018-2019, diện tích sản xuất lúa IR 50404 (sản phẩm chất lượng trung bình) chiếm khoảng 21% tổng diện tích sản xuất của toàn ngành, thậm chí những năm trước đó chiếm đến 30-40%, trong khi giống chất lượng cao OM 5451 chỉ chiếm 5% và Đài Thơm 8 chiến khoảng 17% trên tổng diện tích.

Tuy nhiên, con số tương quan ở vụ đông xuân 2021-2022 này, giống Đài Thơm 8 chiếm khoảng 26%, OM 18 chiếm 13%, OM 5451 chiếm 8%. Còn giống IR 50404 đã giảm xuống còn dưới 10% trên tổng diện tích sản xuất toàn ngành. “Đây là bước dịch chuyển rất quan trọng và thành công từ phía sản xuất của ngành gạo Việt Nam bằng lực kéo của thị trường”, ông Diệu nhấn mạnh.

Theo đó, nếu năm 2016, tổng khối lượng gạo IR 50404 xuất khẩu đạt khoảng 1,9 triệu tấn, thì đến năm 2021 chỉ còn khoảng 600.000 tấn. Trong khi đó, vào năm 2016 giống OM 5451 xuất khẩu chỉ khoảng 100.000 tấn và giống Đài Thơm 8 chưa xuất hiện trên bảng thống kê, thì đến năm 2021, giống OM 5451 đạt khoảng 1 triệu tấn và Đài Thơm 8 đã nhảy vọt lên con số khoảng 2,3 triệu tấn.

Tuy nhiên, có một vấn đề rất đáng lưu ý, theo ông Diệu, đó là trước đây ngành gạo Việt Nam đã gặp bẫy gạo phẩm cấp thấp từ thị trường tập trung cũng như tiểu ngạch đi Trung Quốc. “Những yếu tố đó trong tương lai có quay trở lại hay không?”, ông Diệu đặt câu hỏi và cho rằng, thách thức đó cần có những giải pháp căn cơ của các nhà điều hành chính sách cũng như địa phương.

Trong khi đó, trước bổi cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh, thu nhập của người trồng lúa sụt giảm, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ người nông dân “giữ” cây lúa.

Theo ông Nam, thu nhập của người nông dân giảm mạnh, bởi giá lúa không thể tăng trong khi phân bón, thuốc trừ sâu rồi chi phí vận tải… tất cả đều tăng, khiến doanh nghiệp “không thể không cộng” chi phí đầu vào khi mua sản phẩm của nông dân, đẩy họ rơi vào cảnh rất khó khăn. “Thật ra, thâm tâm của người nông dân cũng muốn thay đổi cơ cấu cây trồng bằng cách chuyển lúa sang các loại cây khác hoặc giảm vụ 3”, ông nói.

Còn về chất lượng sản phẩm, theo ông Nam, đối với Philippines, thị trường này gần như đã chuyển sang ăn gạo phẩm cấp cao. “Philippines đang là thị trường rất ổn định đối với Việt Nam, trong khi sản phẩm gạo chúng ta phải giải quyết bài toán thị trường, cho nên, cần quan tâm”, ông Nam cho biết.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.