Đất không phụ người nông dân cần mẫn
Thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi với nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu. Anh Phạm Văn Sắt (ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) là một nông dân như thế.
NỖ LỰC
Trước đây, thu nhập của gia đình anh Sắt chủ yếu từ 4.000 m2 đất nông nghiệp chuyên canh tác lúa. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà lợi nhuận không cao nên anh Sắt quyết định chuyển sang trồng rau màu. Nhưng rồi rau màu cũng chưa mang lại hiệu quả cho gia đình anh khi thổ nhưỡng không thích hợp, năng suất thấp.Vậy là anh Sắt tiếp tục nghĩ cách để chuyển đổi cây trồng.
Năm 2009, anh Sắt chuyển sang mô hình trồng mít Thái. Sau 3 năm canh tác, kinh tế gia đình có bước chuyển biến tích cực. Anh dùng số tiền tích lũy và vay mượn để mua thêm 6.000 m2 đất để mở rộng quy mô sản xuất.
Anh Phạm Văn Sắt chăm sóc sầu riêng đang ra hoa. |
Năm 2013, nhận thấy nguy cơ đầu ra sẽ gặp khó khăn do nhiều người lựa chọn cây trồng này. Anh Sắt quyết đoán chuyển sang trồng sầu riêng. Lúc đầu, anh trồng thử nghiệm 210 cây sầu riêng, diện tích còn lại tiếp tục canh tác mít để có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.
Do chưa nắm vững về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, nên thời gian đầu trồng anh gặp không ít khó khăn, cây chậm phát triển. Với quyết tâm vươn lên từ loại cây ăn trái này, anh Sắt đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân đi trước. Ngoài ra, anh còn nhận được sự giúp đỡ tận tình của Chi Hội Nông dân ấp, cũng như Hội Nông dân xã Cẩm Sơn qua việc tạo điều kiện cho anh tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên đi tham quan các mô hình trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao ở các xã lân cận. Từ đó, anh rút ra nhiều kinh nghiệm về áp dụng trên vườn sầu riêng của gia đình.
Vào năm 2017, anh quyết định xử lý cho cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ. Đặc biệt, anh luôn ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để cải tạo nền đất canh tác. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật cũng như thời tiết thuận lợi nên vườn sầu riêng của anh ra hoa rất đồng lọat. Kết quả năm xử lý đầu tiên, vườn của anh cho thu hoạch được khoảng 12 tấn. Với giá bán 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh lời được 230 triệu đồng.
Năm thứ 2 thu hoạch, vườn sầu riêng thu được 15 tấn, với giá bán 46.000đ/kg, sau khi trừ chi phí anh lời được 520 triệu đồng. Chỉ sau 2 vụ thu hoạch, gia đình anh đã trả hết số nợ vay, số tiền còn dư ra anh đầu tư vào mua cây giống sầu riêng, cải tạo lại diện tích đất trồng và chuyển toàn bộ sang đất chuyên canh sầu riêng.
Không chỉ sản xuất giỏi, anh Sắt còn là tấm gương sáng trong công tác vận động, hỗ trợ tại địa phương như hiến đất làm đường giao thông, tạo việc làm ổn định cho nhiều người, cải thiện thu thập cho các hộ khó khăn. Với kết quả trên, những năm qua, anh Phạm Văn Sắt đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp và đóng góp vào sự phát triển phong trào Hội Nông dân, đưa Hội Nông dân xã Cẩm Sơn vươn lên dẫn đầu toàn huyện về phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” nhiều năm liền. |
Đợt hạn, mặn năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến vườn sầu riêng của anh Sắt. Trải qua đợt hạn, mặn đó, anh có sự chuẩn bị trong ứng phó hạn, mặn như: Khơi thông dòng chảy, đào ao trữ nước, chủ động cập nhật tình hình hạn, mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ vậy, vườn sầu riêng của gia đình anh đã dần phục hồi và cho năng suất cao.
Đến nay, mỗi năm vườn sầu riêng gia đình anh cho năng suất khoảng 18 tấn, với giá bình quân 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lợi được khoảng 700 triệu đồng. “Nhờ cây sầu riêng mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn, có điều kiện nuôi con ăn học” - anh Sắt chia sẻ.
VÀ CHIA SẺ
Là nông dân nên anh Sắt hiểu rõ khó khăn mà nông dân phải đương đầu. Bài toán đầu ra nông sản luôn là thách thức lớn của nông dân, để giải bài toán này anh Sắt đã không ngừng theo dõi thị trường, nghĩ cách tiêu thụ nông sản.
Anh Sắt quyết định tham gia Hợp tác xã (HTX) Cẩm Sơn. Anh Sắt cho biết: “Giá vật tư nông nghiệp hiện tăng cao, nên khi tham gia HTX, các loại vật tư nông nghiệp được HTX cung cấp với giá thấp hơn giá thị trường, sản phẩm đảm bảo chất lượng và được HTX bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, HTX còn là hạt nhân trong liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung”.
Năm 2020, anh Sắt vận động nông dân đăng ký thực hiện và hỗ trợ nông dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Được ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn, nên anh và người dân trong xã tiến hành xây dựng kho chứa phân thuốc riêng biệt, thực hiện việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất, đảm bảo sử dụng phân, nông dược trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo để không còn dư lượng thuốc trong trái sầu riêng, sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất.
Anh Sắt còn thường xuyên tuyên truyền và khuyến khích các hộ sản xuất tích cực tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học - kỹ thuật để kịp thời ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trong canh tác.
Bên cạnh đó, đầu năm 2022, để hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch, tạo đầu ra ổn định cho sầu riêng trên địa bàn xã, từ hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện, anh tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng. Đến nay, việc này được người dân đồng thuận tham gia, góp phần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng, tạo tiền đề cho thương hiệu sầu riêng địa phương phát triển.
LÊ MINH