Bài cuối: Chất lượng quyết định
BÀI 1: Sức hấp dẫn
Sầu riêng là một trong những trái cây đang đứng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch, nhất là sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, để đạt được điều này, nâng cao chất lượng trái cây đặc sản trên là việc làm cấp bách hiện nay.
Tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng đang là mục tiêu ngành Nông nghiệp hướng tới. |
Trên thực tế, sầu riêng chủ yếu được xuất qua thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi khả năng xúc tiến sang các thị trường khác còn hạn chế, do chất lượng sầu riêng chưa đảm bảo đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính.
NẮM BẮT CƠ HỘI
Theo đánh giá của các đơn vị tham gia xuất khẩu nông sản, cơ hội xuất khẩu chính ngạch sầu riêng còn lớn nên cần nắm bắt. Sau nhiều năm tham gia thị trường xuất khẩu, ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phương Ngọc Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, hiện sầu riêng Ri6 đã được chấp nhận ở thị trường Hoa Kỳ.
Mỗi tháng, doanh nghiệp xuất được khoảng 60 tấn sầu riêng Ri6 cấp đông sang thị trường này. Hiện nay, công ty đang mở rộng thêm thị trường tại một số bang của Hoa Kỳ. Với đà xuất khẩu hiện tại, mỗi tháng công ty cần khoảng 100 tấn sầu riêng để xuất khẩu nhưng thường thiếu lượng hàng do không đảm bảo chất lượng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang - Nguyễn Văn Mẫn, để cây sầu riêng phát triển bền vững, tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp. Địa phương chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức chuyên ngành và cập nhật thông tin về tiến bộ kỹ thuật mới để tập huấn cho nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng canh tác tiên tiến, hiệu quả; đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hỗ trợ nông dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là các chính sách đầu tư về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở, kho, bãi thu mua, sơ chế, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong khâu chế biến. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu, sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản chế biến sau thu hoạch, ưu tiên phát triển công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất...; đẩy mạnh sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt… |
Để tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo chất lượng, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Ngọc Cái Bè đã chọn được một số vùng để sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
“Hiện nay, dù cả nước có nhiều tỉnh trồng được sầu riêng, nhưng sầu riêng Ri6 ở Tiền Giang được đánh giá có chất lượng nằm trong nhóm tốt nhất. Công ty mong muốn sẽ liên kết được với tất cả hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất sầu riêng để có sản phẩm tốt xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Bởi hiện nay, công ty cũng đã liên kết được một số doanh nghiệp phân phối ở Hoa Kỳ và đưa sầu riêng vào một số siêu thị, chợ ở thị trường này. Công ty cũng mong muốn các ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất để tạo ra sầu riêng chất lượng, cung cấp nguồn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ”- ông Võ Tấn Lợi cho biết.
Tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng đang là mục tiêu ngành Nông nghiệp hướng tới. |
Thực tế cho thấy, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến khoảng 70%. Theo đánh giá, thị trường Trung Quốc vẫn còn dư địa lớn trong tiêu thụ sầu riêng hiện nay. Trước thông tin sầu riêng chuẩn bị được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhiều nông dân trồng sầu riêng, HTX, doanh nghiệp đang rất hào hứng. Bởi việc xuất khẩu chính ngạch sẽ hạn chế được nhiều rủi ro hơn hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
Theo đánh giá của lãnh đạo HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), những thị trường cao cấp như: Hàn Quốc, Nhật Bản… thực tế tiêu thụ không lớn lượng sầu riêng của nước ta. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính. “HTX vẫn xuất sầu riêng sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ nhập sầu riêng mình cả tháng không bằng Trung Quốc nhập 2 ngày” - lãnh đạo HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp chia sẻ.
KHẨN TRƯƠNG
Trên thực tế, hiện nay, chất lượng đang là hạn chế lớn nhất trong xuất khẩu sầu riêng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu nói chung, trong đó có sầu riêng.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 15 cơ sở/184,58 ha với sản lượng 3.633 tấn/năm. Trong đó, huyện Cai Lậy có 12 cơ sở/148,45 ha; TX. Cai Lậy 3 cơ sở/36,13 ha. Tuy nhiên, đến năm 2021, diện tích sầu riêng được chứng nhận GAP vẫn còn khá thấp, chỉ chiếm 1,8% diện tích sầu riêng trong vùng đề án, thấp hơn 13,2% so với mục tiêu đề ra.
Theo lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nếu hoàn thành 2 cống ngăn mặn Kim Sơn và Phú Phong và được Trung ương đầu tư cống Nguyễn Tấn Thành thì diện tích sầu riêng của huyện sẽ tiếp tục tăng lên. Trong hướng tới, huyện đề nghị các nhà khoa học mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ để sản xuất sầu riêng có chất lượng tốt; đồng thời, đẩy mạnh chế biến sâu đối với sầu riêng. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất an toàn là một lợi thế của sầu riêng trong việc tiếp cận và ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, diện tích sầu riêng không đạt được mục tiêu đề ra do hiệu quả sản xuất an toàn chưa cao, nhà vườn chưa thật sự tâm huyết để thực hiện. Nhìn vào thực tiễn mới thấy, Trung Quốc lâu nay được đánh giá là thị trường dễ tính.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, khi nhiều hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên để kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu vào thị trường này. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội để nông dân nước ta và người trồng sầu riêng ở Tiền Giang chú trọng hơn đến chất lượng trong quy trình sản xuất, tiêu thụ.
Theo lãnh đạo HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, HTX mong muốn các ngành đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, đóng gói cho các doanh nghiệp, HTX. Thị trường Trung Quốc hiện đã khó, do đó phải tổ chức sản xuất VietGAP, GlobalGAP cho sầu riêng để nâng cao chất lượng, tiến tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - Đinh Văn Tấn, địa phương có hơn 10.500 cây sầu riêng. Năm nay, huyện cố gắng vận động nông dân thực hiện khoảng 270 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích này rất nhỏ so với tổng diện tích sầu riêng của huyện, do trước đây nông dân có thực hiện VietGAP nhưng phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả thương lái thu mua không chênh lệch nên chưa khuyến khích phát triển.
“Nếu Nghị định thư được ký kết, giá cả sẽ không còn bấp bênh. Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ thu hút doanh nghiệp liên kết xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng trái sầu riêng” - đồng chí Đinh Văn Tấn nói.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngành Nông nghiệp cũng đang cố gắng chuyển hướng sản xuất các loại nông sản chủ lực nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu. Từ đó mới mong nâng cao giá trị hàng hóa và cải thiện đời sống của nông dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang - Võ Văn Men, đơn vị đang tiến đến cấp mã số phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, Chi cục đã gửi 10 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và 13 hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, đang chờ Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số ngay sau khi Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết để cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT