.

Hàng hóa chưa hạ nhiệt dù giá xăng, dầu giảm mạnh

Cập nhật: 20:50, 22/07/2022 (GMT+7)

(ABO) Sau khi liên tiếp lập đỉnh, giá xăng, dầu đã giảm mạnh trong 2 phiên điều chỉnh giá gần đây. Tuy nhiên, do mới giảm giá trong thời gian ngắn nên giá nhiều loại hàng hóa vẫn chưa thể hạ nhiệt theo giá xăng, dầu.

Giá hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt.
Giá hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao đã tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội.

Tình trạng “té nước theo mưa” xảy ra đối với nhiều nhóm hàng thực phẩm, trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu.

Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Người dân phải thắt chặt chi tiêu khi giá thực phẩm, hàng hóa tăng cao.

Với việc giá xăng, dầu giảm mạnh trong những ngày gần đây khiến người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi.

Tuy nhiên, qua ghi nhận, dù xăng, dầu giảm giá, nhưng giá các loại hàng hóa chưa giảm nhiệt.

Theo một tiểu thương tại chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), xăng, dầu giảm giá tiểu thương ở chợ rất mừng. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm vẫn duy trì ở mức cao, chưa thấy rục rịch giảm.

Ông Võ Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát (TP. Mỹ Tho) cho biết, do xăng, dầu tăng giá trong thời gian qua nên giá các mặt hàng tiêu dùng tăng từ 5% - 20%, tùy theo nhóm hàng; chi phí vận chuyển cũng tăng khoảng 20%. Nhóm hàng tăng cao nhất là các loại bánh, kẹo…

Do các chi phí vận chuyển, đầu vào tăng cao nên bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải tăng giá hàng hóa.

Cũng theo ông Thành, xăng, dầu mới giảm giá trong thời gian ngắn nên giá hàng hóa hiện chưa biến động, cước vận tải cũng chưa giảm.

Tuy nhiên, theo ông Thành, khoảng 3 tuần nay, giá dầu ăn đã giảm khoảng 20%. Bởi giá dầu ăn chỉ chịu một phần tác động từ xăng, dầu.

Giá dầu ăn nhập khẩu trong những ngày gần đây giảm nên giá trong nước cũng giảm theo.

Chắc chắn giá hàng hóa có thể hạ nhiệt theo giá xăng, dầu, nhưng cần khoảng 10 ngày mới có chuyển biến. Bởi các doanh nghiệp sản xuất vẫn còn lượng hàng tồn nhất định.

Còn theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim, dù giá xăng, dầu đã giảm, nhưng chưa thể tác động đến việc hạ nhiệt giá hàng hóa.

Cụ thể, giá cước vận chuyển hàng hóa chưa giảm, do đó chưa có tác động cao đến giá hàng hóa. Một số mặt hàng trước đây đã tăng giá hiện vẫn đang giữ giá.

Trên thực tế, dù giá xăng, dầu giảm nhưng nhiều hàng hóa không giảm cũng một phần do các nhà sản xuất và đơn vị bán lẻ chung tay giữ giá.

Ông Phạm Chí Công, Giám đốc Co.opmart Gò Công cho biết, việc giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến rất nhiều chi phí, nhưng đơn vị đã rà soát cắt giảm chi phí vận hành.

Điều này không những giúp đơn vị vừa giữ được giá, mà còn tiết kiệm tối đa chi phí để thực hiện khuyến mãi kích cầu, duy trì sức mua mỗi khi thị trường có đợt tăng giá.

Trước tình hình giá xăng điều chỉnh tăng, Co.opmart Gò Công đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp, nhãn hàng để giữ giá, đặc biệt là giá cả của các mặt hàng thiết yếu được ổn định.

Do giữ được giá ổn định nên những ngày qua, dù giá xăng, dầu giảm mạnh nhưng giá hàng hóa, thực phẩm ở siêu thị không biến động, đảm bảo bình ổn.

Giá vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục nóng.
Giá vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục "nóng".

Cũng theo ông Công, để đảm bảo bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng, hiện siêu thị đang chạy rất nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá ở tất cả các nhóm hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn.

Trên thực tế, nhóm ngành hàng ăn uống cũng là ngành ảnh hưởng gián tiếp bởi giá xăng, dầu. Hàng hóa, nguyên liệu tăng buộc các cửa hàng kinh doanh ăn, uống phải tăng giá bán các món ăn.

Ghi nhận tại một chuỗi cửa hàng kinh doanh cơm trên địa bàn TP. Mỹ Tho, trước đại dịch Covid-19, giá bán một đĩa cơm gà là 35.000 đồng.

Tuy nhiên, khi xăng, dầu tăng cao, cửa hàng đã điều chỉnh tăng lên thêm 5.000 đồng/đĩa. Hiện tại, dù giá xăng, dầu đã giảm, nhưng do giá hàng hóa chưa giảm nên cửa hàng vẫn giữ nguyên giá cũ 40.000 đồng/đĩa.

Trong cơn “bão giá” vừa qua, thị trường vật liệu xây dựng cũng chịu tác động lớn bởi việc tăng giá xăng, dầu.

Theo một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện Châu Thành, giá vật liệu xây dựng và giá xăng, dầu tăng đang là bài toán khó cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhưng tự đơn vị phải giải quyết cái khó này. Bởi giá vật liệu xây dựng tăng buộc doanh nghiệp phải bù lỗ.

Trước mắt các doanh nghiệp phải tự vận động để hoàn thành hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-XD Tư Lợi (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho), hiện giá thép đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, các loại vật liệu xây dựng khác như: Xi măng, gạch ống, cát, đá… lại tăng liên tục, dù giá xăng, dầu đã giảm mạnh trong những ngày qua.

Cụ thể, đá tăng khoảng 20% so với khoảng 2 tháng trước; cát xây dựng có giá 320.000 đồng/m3, cát san lấp 230.000/m3, tăng khoảng hơn 20% so với những tháng trước.

Xi măng, gạch cứ 1 - 2 tháng lại tăng. So với thời điểm đầu năm, giá xi măng đã tăng khoảng 15.000 đồng/bao, do việc sản xuất các mặt hàng này đều phải sử dụng than đá. Trong khi đó, giá than đá tăng gấp 3 - 4 lần dẫn đến giá xi măng, gạch tăng.

“Hiện nguồn cung cát đã khó, việc vận chuyển càng khó do số lượng vật liệu trong mỗi chuyến vận chuyển bị giảm nên doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Với những nguyên nhân trên, dù xăng, dầu có giảm, nhưng giá một số loại vật liệu xây dựng vẫn tăng.

Giá xăng, dầu giảm nhiều người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi, nhưng hiện vẫn chưa tác động nhiều đến thị trường vật liệu xây dựng.

Bởi thị trường vật liệu xây dựng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi thị trường thế giới” - ông Cường cho biết thêm.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.