.

Kinh tế Tiền Giang có nhiều khởi sắc

Cập nhật: 18:50, 05/07/2022 (GMT+7)

(ABO) Đánh giá tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền GIang cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, dù còn nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phục hồi, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt và không ít lĩnh vực đã khởi sắc…

498 DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI

Phát triển doanh nghiệp (DN) là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh 6 tháng qua. Để trợ lực, giúp DN sớm phục hồi, 6 tháng năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển DN như: Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các DN trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà và chúc tết một số DN tiêu biểu nhằm động viên, khuyến khích DN; Hội nghị đối thoại DN lần 1 năm 2022; xây dựng các Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức Hội nghị phát triển DN tại một số địa phương để phổ biến các chính sách, vận động hỗ trợ hộ kinh doanh có quy mô lớn phát triển thành DN.

Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi động viên doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để DN phục hồi sản xuất
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi động viên DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN phục hồi sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, người lao động như: Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tập trung cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN...

Đến nay, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động trong điều kiện bình thường mới, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh nhìn chung đã dần ổn định.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho biết, ước thực hiện 6 tháng năm 2022 có 498 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.500 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch năm 2022; tăng 43% so cùng với cùng kỳ năm 2021; hoàn tất thủ tục giải thể 48 DN.

Ước tính đến cuối tháng 6-2022, toàn tỉnh có khoảng 6.430 DN hoạt động. Tổng số hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng năm 2022 là 3.800 hộ, tăng 74% so cùng kỳ năm trước; lũy kế số hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh tính đến cuối tháng 6-2022 là 65.400 hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX được hỗ trợ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP... đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến.

Trong 6 tháng, có 6 HTX được thành lập mới, giảm 45,5% so cùng kỳ; không có HTX giải thể; ngưng hoạt động 12 HTX; doanh thu các HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và tín dụng ước đạt 1.692 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp và 247 HTX, quỹ tín dụng nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển DN còn một số khó khăn như: Sau dịch Covid-19, lực lượng lao động thường xuyên biến động và thiếu hụt gây khó khăn trong kế hoạch sản xuất của các DN; chỉ một số ít DN kịp thời thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất...

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phục hồi sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phục hồi sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư; vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn; hỗ trợ DN xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tiếp tục đôn đốc các DN thực hiện đánh giá mức độ an toàn đối với những DN đã có thông tin tài khoản đăng nhập ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường; hỗ trợ thành lập mới các HTX theo hướng phù hợp với nhu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển của địa phương.

XUẤT, NHẬP KHẨU KHỞI SẮC

Một trong những điểm sáng tiếp theo của tỉnh là tình hình xuất, nhập khẩu. Theo đánh giá của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn ghi nhận mức tăng khá nhờ tăng trưởng ở các ngành hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao như: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng), dệt may, giày dép... Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước thực hiện được 2.032 triệu USD, đạt 60,7% kế hoạch, tăng 18,4% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 20,3%); trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Các sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa công nghiệp là các sản phẩm như: Kim loại thường đạt 550 triệu USD, tăng 28,6%; may mặc đạt 300,7 triệu USD, tăng 14,9%; giày, dép các loại 315,6 triệu USD, tăng 2,4%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 152,3 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: Thủy sản xuất khẩu 57.370 tấn, giá trị đạt 160,5 triệu USD, tăng 19,6% về lượng, tăng 52,6% về giá trị so cùng kỳ; gạo xuất khẩu 62.222 tấn, giá trị đạt 30 triệu USD, giảm 7,4% về lượng, giảm 21% về giá trị so cùng kỳ; rau, quả xuất khẩu đạt 6.812 tấn, giá trị đạt 15 triệu USD, giảm 6,2% về lượng, tăng 3% về giá trị so cùng kỳ...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới; xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của tỉnh, chiếm 43,3%, so cùng kỳ tăng 26,8%; châu Mỹ chiếm 27%, so cùng kỳ tăng 1%; châu Âu chiếm 25,2%, so cùng kỳ tăng 22,6%; châu Đại Dương chiếm 3%, châu Phi chiếm 1,5% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Hoạt động nhập khẩu cũng có nhiều khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước thực hiện 1.100 triệu USD, đạt 57,9% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ; trong đó, DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 4,7%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 95,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Nguyên liệu đồng, nguyên phụ liệu may, da giày, túi xách, vải nguyên liệu, nguyên vật liệu thức ăn gia súc, nguyên liệu dược phẩm...

Xuất nhập khẩu tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc
Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2022 nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, một số DN xuất nhập khẩu còn gặp phải khó khăn như: Chi phí vận chuyển tăng cao do áp lực giá xăng, dầu tăng ở mức cao; giá xăng, dầu tăng cao kéo theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất tăng theo. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến tỉnh hình sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là việc tiêu thụ một số mặt hàng trái cây xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như: Mít, thanh long... bị ùn ứ tại cửa khẩu trong những tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập của người dân…

Theo đồng chí Trần Văn Dũng, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Công thương tỉnh tăng cường phổ biến thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, giúp cộng đồng DN kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, kết nối giao thương, nhất là ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành và địa phương thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là kích cầu tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa nông, thủy sản nhằm giúp giải quyết đầu ra cho ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay; chủ động liên kết với các DN, chuỗi liên kết ở TP. Hồ Chí Minh để đẩy mạnh việc thu mua hàng hóa nông, thủy sản cho người dân.

Cùng với đó là tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có lợi thế của tỉnh; xây dựng các mô hình tiêu thụ nông sản xuất khẩu tiêu biểu, mang lại hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh của tỉnh như ống đồng, giày dép, túi xách, giày xuất khẩu...

THU HOÀI - VĂN THẢO

.
.
.