Thứ Tư, 31/08/2022, 10:10 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực đảm bảo thông suốt thị trường xăng, dầu

Nhiều thông tin xuất hiện gần đây dễ nhận thấy tình hình cung ứng xăng, dầu trên thị trường có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để thị trường diễn ra thông suốt, các ngành chức năng đang nỗ lực tăng cường các giải pháp góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu.

Dù giá xăng, dầu đã hạ nhiệt so với khoảng 2 tháng trước nhưng do nguồn cung xăng, dầu vẫn còn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải chật vật trong việc tìm nguồn cung ứng.

XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM

Trước thông tin về diễn biến tình hình xăng, dầu gần đây, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Ấp Bắc vào trưa ngày 30-8, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị cung ứng xăng, dầu; trong đó có 7 thương nhân phân phối (trong đó có 1 chi nhánh thương nhân phân phối ở tỉnh Vĩnh Long - chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Cửu Long tại Tiền Giang); 2 thương nhân phân phối nhận ủy quyền của Công ty TMĐT Dầu khí Nam Sông Hậu (Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Thuận Tiến và Công ty cổ phần Thương mại Chợ Gạo); 1 thương nhân xuất nhập khẩu (Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức); 1 tổng đại lý (Công ty TNHH Xăng dầu Vạn Phúc); 1 đơn vị thuộc Tập đoàn Petrolimex (Công ty Xăng dầu Tiền Giang).

Lực lượng QLTT kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu và dán số điện thoại đường dây nóng.
Lực lượng QLTT kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu và dán số điện thoại đường dây nóng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có hơn 640 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu được Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu. Trên địa bàn tỉnh có 6 kho xăng, dầu (3 kho có dung tích dưới 5.000 m3, 3 kho có dung tích trên 5.000 m3) tại TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Gò Công Đông; tổng sức chứa của 6 kho xăng, dầu khoảng gần 130.000 m3. Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đều có bồn chứa từ 30 - 75 m3. Như vậy, toàn tỉnh có khả năng chứa từ gần 150.000 m3 đến 178.000 m3.

Quyền Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu có nhiều biến động, liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã điều chỉnh giá định kỳ theo quy định. Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương, hiện nay nguồn cung xăng, dầu thế giới đang dồi dào, nguồn cung trong nước lúc này cũng không thiếu, giá xăng, dầu thế giới cũng đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm 2022. Do đó, giá xăng, dầu trong nước cũng giảm.

Bộ Công thương vừa có văn bản chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước thời gian tới, giám sát chặt chẽ việc bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định 83 ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu và khoản 21 Điều 1 Nghị định 95 ngày 1-11-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu.

Theo Cục QLTT tỉnh, trong ngày 29-8, các Đội QLTT trực thuộc đã ra quân dán số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu của Đội QLTT tại 87 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đồng thời, khảo sát 132 cửa hàng, giám sát 3 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 131 cửa hàng hoạt động bình thường, 2 cửa hàng tại các huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây tạm ngưng hoạt động, có văn bản chấp thuận của Sở Công thương. 2 cửa hàng tại huyện Tân Phước và TX. Cai Lậy hết xăng nhưng vẫn mở cửa bán dầu.

Đại diện các đại lý bán lẻ xăng, dầu cho biết, trong buổi sáng ngày 30-8 thương nhân phân phối sẽ nhập xăng, dầu cho 2 cửa hàng này. Cũng trong sáng 30-8, các Đội QLTT trực thuộc tiếp tục ra quân dán số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu của Đội QLTT và nắm tình hình kinh doanh xăng, dầu tại các cửa hàng.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu, thương nhân phân phối xăng, dầu chủ động nguồn hàng, không để gián đoạn nguồn cung xăng, dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Về tình hình cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, theo thông tin từ các doanh nghiệp cung ứng, mức chiết khấu bán xăng, dầu của của cửa hàng xăng, dầu tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn duy trì ở mức 100 - 300 đồng/lít xăng, dầu.

Theo ghi nhận của Sở Công thương, đến sáng ngày 30-8, trên địa bàn tỉnh có 15 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu xin tạm nghỉ kinh doanh xăng, dầu trong thời gian ngắn; trong đó, có 7 trường hợp được Sở Công thương xem xét chấp thuận cho tạm nghỉ kinh doanh xăng, dầu, còn lại 8 trường hợp chưa được Sở Công thương đồng ý cho tạm ngưng. Sở Công thương đã chỉ đạo Phòng Quản lý thương mại và Thanh tra sở phối hợp kiểm tra, xác minh các trường hợp xin nghỉ kinh doanh do sửa chữa cửa hàng xăng, dầu để làm cơ sở xem xét.

KHÔNG ĐỂ GIÁN ĐOẠN

Trước tình hình hiện nay, trong chiều ngày 29-8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã đến làm việc trực tiếp với 3 thương nhân đầu mối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh để trao đổi, nắm tình hình kinh doanh, cung ứng xăng, dầu thuộc hệ thống của doanh nghiệp.

Các ngành đang nỗ lực đảm bảo thông suốt thị trường xăng, dầu.
Các ngành đang nỗ lực đảm bảo thông suốt thị trường xăng, dầu.

Qua trao đổi, đại diện Công ty Xăng dầu Tiền Giang cho biết, công ty có 2 kho xăng, dầu với 10 triệu lít; có 48 cửa hàng bán lẻ trực thuộc, có 62 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng, dầu với 85 cửa hàng bán lẻ (tổng cộng công ty có 133 điểm bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống). Công ty đảm bảo nguồn dự trữ, đáp ứng liên tục nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu khoảng 20 ngày trong hệ thống công ty.

Một trong những đơn vị cung ứng xăng, dầu lớn trên địa bàn tỉnh, đại diện Công ty TNHH TMDV Xăng dầu Châu Thành cho biết, công ty có 27 cửa hàng bán lẻ trực thuộc công ty; 65 đại lý với 87 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu (tổng cộng công ty có 114 điểm bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống).

Công ty đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong hệ thống khoảng 3 ngày, tùy tình hình tiêu thụ thực tế. Nguyên nhân là do hiện nguồn dự trữ sắp hết và nguồn cung cấp xăng, dầu của đơn vị cung ứng cho Công ty TNHH TMDV Xăng dầu Châu Thành đang bị thiếu hụt, không cung cấp đủ như thời điểm bình thường trước đây theo như hợp đồng ký kết.

Còn đối với Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức, hiện đơn vị có 29 cửa hàng bán lẻ trực thuộc và có 131 đại lý bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống. Đại diện công ty cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty nhập khẩu 3 lô xăng, dầu với tổng cộng khoảng 22 triệu lít, mua khoảng 14 lô xăng, dầu trong nước của 2 Công ty Lọc hóa dầu (Nghi Sơn và Bình Sơn) với mỗi lô khoảng 6 triệu lít.

Công ty đảm bảo nguồn dự trữ, đáp ứng liên tục nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong hệ thống. Hiện nay, công ty giao hàng đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết với các đại lý. Trường hợp đại lý mua số lượng xăng, dầu cao hơn thì doanh nghiệp sẽ xem xét cung cấp cho phù hợp.

Qua ghi nhận tình hình thực tế, đại diện Cục QLTT tỉnh cho biết, qua làm việc, cả 3 doanh nghiệp mà đơn vị đến làm việc đều cam kết cung cấp xăng, dầu đầy đủ cho các điểm bán hàng thuộc hệ thống phân phối của công ty trên cơ sở các hợp đồng đã ký và tùy vào tình hình diễn biến thực tế.

Doanh nghiệp bán lẻ kêu khó

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thuận (TP. Mỹ Tho) cho biết, đơn vị có 4 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Hiện nguồn cung xăng, dầu đang khó khăn. Từ ngày 26-8 đến nay, doanh nghiệp không mua được hàng, đầu mối cung cấp cứ hẹn.

Hiện xăng, dầu tồn trong bồn chứa chỉ còn đủ bán trong khoảng vài ngày tới. Theo ông Sơn, hiện xăng, dầu được doanh nghiệp lấy tại kho ở huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh). Trung bình mỗi lít xăng, dầu nhập vào bồn, công ty lỗ 210 đồng. Chưa kể, chi phí cho nhân viên bán hàng, điện, nước, thuê mặt bằng… cũng tiêu tốn khoảng 600 - 700 đồng/lít. Bình quân, 1 lít xăng, dầu doanh nghiệp bán ra lỗ khoảng 1.000 đồng.

Còn theo Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lê Dũng (TP. Mỹ Tho), hiện doanh nghiệp có 2 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Với mức hoa hồng thấp như hiện nay, nếu cộng thêm chi phí trả lương cho nhân viên, các khoản khác thì doanh nghiệp tiếp tục lỗ thêm một khoản nữa.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể đóng cửa được do phải giữ chân đối tác. Mấy ngày nay, dầu đang khan hàng. Đầu mối phân phối vẫn cung cấp xăng, dầu đầy đủ, nhưng số lượng hạn chế. Ngày xưa mua được 10.000 lít, giờ chỉ khoảng 3.000 - 4.000 lít. Với số lượng xăng, dầu còn tồn như hiện tại, doanh nghiệp chỉ duy trì việc cung ứng trong  khoảng 3 - 4 ngày tới.

 

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

.
.
.