.

Bám sát việc Fed tăng lãi suất để điều hành chủ động và linh hoạt

Cập nhật: 19:35, 22/09/2022 (GMT+7)

Để hỗ trợ nền kinh tế, mà cụ thể là các doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng chính sách tiền tệ cần thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỉ giá hợp lý. Mặc dù lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

a
TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình - Ảnh: VGP/Giang Oanh

Tại phiên họp Chính phủ ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Theo ông, việc này đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Đây là lần thứ 3 Fed tăng lãi suất trong năm nay và mỗi lần Fed tăng lãi suất, tác động đều thể hiện rất rõ. Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỉ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.

TS. Cấn Văn Lực:
Rất may với Việt Nam cả 4 tác động này về cơ bản ở mức vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát. Chính vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam vẫn hoàn toàn kiểm soát được lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm nay và tỉ giá biến động xoay quanh mức 3%.

 

Về tác động dịch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, theo tôi, tại Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán, dù không nhiều, đâu đó khoảng vài chục triệu USD, song điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước bị bán ròng vài tỷ USD.

Tôi cho rằng, khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất trong nước những tháng cuối vẫn có xu hướng tăng. Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều sẽ tăng nhẹ. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.

Đối với vấn đề lạm phát, như tôi đã nói ở trên, khi thế giới đang có nhiều biến động, ngân hàng Trung ương các nước đang thắt chặt nhanh tiền tệ, cộng với việc Fed tăng lãi suất, điều này sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chúng ta thấy về cơ bản, Chính phủ Việt Nam đã liên tục chỉ đạo cần phải theo dõi và phản ứng để có các chính sách phù hợp. Tôi cho rằng đây là những hành động rất kịp thời.

Cụ thể là Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan… phải theo dõi, nhận định tình hình chính xác và đưa ra các giải pháp để vừa giảm thiểu rủi ro tác động, vừa có thể tận dụng những cơ hội để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi. Có thể thấy, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Mặc dù thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nhưng tôi tin Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Chúng ta kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình.

Khi Fed tăng lãi suất thì ngoài vấn đề kiềm chế lạm phát trong nước, theo ông, xuất khẩu của Việt Nam cần chú trọng điều gì?

TS. Cấn Văn Lực: Khi Fed tăng lãi suất thì sẽ khiến cho đà tăng trưởng kinh tế của thế giới chậm lại và sẽ có tác động tiêu cực, giảm bớt lợi thế đối với xuất khẩu, đầu tư của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Điều này rõ ràng cho thấy chúng ta cần phải chủ động để đa dạng hóa thị trường, đối tác và phải đa dạng hóa cả các đồng tiền thanh toán, để một mặt chúng ta có thể tranh thủ được các hiệp định thương mại tự do cũng như những thị trường mới vẫn còn tiềm năng, nhất là nhiều hàng hóa của Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa thiết yếu như là hàng da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thuỷ sản. Đây là những mặt hàng tiêu dùng nên lợi thế là có, trong khi tác động tiêu cực không nhiều.

Đối với đầu tư thì rõ ràng sức cầu trên thế giới sẽ giảm. Do đó, chúng ta cần tranh thủ dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ cung ứng sang để bù đắp cho những phần suy giảm từ xuất khẩu và đầu tư trước đó.

Cần phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Khi Fed tăng lãi suất, nền kinh tế Việt Nam cần lưu ý gì diễn tiến tiếp theo xảy ra, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát và khả năng lạm phát khoảng 4% là khả thi.

Tuy nhiên có một diễn tiến cần lưu ý, đó là khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng như nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất (có thể tăng đến giữa năm 2023 và thậm chí đến hết năm 2023) khi mà giá cả, lạm phát còn ở mức cao.

Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động, liên tục bám sát tình hình để theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra những kịch bản ứng phó, xử lý sao cho phù hợp, để một mặt kiểm soát được rủi ro, lạm phát, một mặt ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế và có thể tranh thủ tận dụng được một số cơ hội.

Ví dụ như chúng ta cần tranh thủ việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư trong bối cảnh Việt Nam kiềm chế tốt được các dịch bệnh, kiểm soát tương đối tốt về lạm phát, giá cả, tỉ giá và đặc biệt là khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao, hợp tác với các nước rất sâu rộng.

Để giải quyết bài toán hiện tại cũng như sau này, chúng ta cần phối hợp tốt hơn nữa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giá cả. Tôi cho rằng, việc Fed tăng lãi suất suy cho cùng là nhằm giảm tổng cầu, giảm kỳ vọng lạm phát. Việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam đạt được như ngày hôm nay là nhờ phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ và dùng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tỉ giá hợp lý.

Một điều tôi cũng muốn nhấn mạnh là chúng ta cần phải có công tác truyền thông tốt để làm giảm bớt tình trạng găm giữ đồng USD trong nhân dân, giảm kỳ vọng lạm phát cũng như tâm lý lo ngại khi Fed tăng lãi suất.

Điều hành chủ động, linh hoạt, không cứng nhắc

Trong khi thế giới có những biến động khó lường, thì công tác chỉ đạo điều hành cần linh hoạt như thế nào, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng điều hành trong giai đoạn này hết sức bình tĩnh, đòi hỏi công tác điều hành phải nghệ thuật, khôn khéo, chủ động, kịp thời, phù hợp và đồng bộ của các nhà hoạch định chính sách. Ở đây, điều hành phải bằng các công cụ phối hợp nhuần nhuyễn chính sách, tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng và có lựa chọn thứ tự ưu tiên.

Đương nhiên chúng ta phải thận trọng, nhưng không quá cứng nhắc, thái quá. Nếu như điều hành cứng nhắc, thái quá thì sẽ làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, cũng như làm mất đi cơ hội của chính nền kinh tế, và có thể làm khan hiếm nguồn cung, tác động trở lại với lạm phát.

Bên cạnh đó, chúng ta dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình. Mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Để hỗ trợ nền kinh tế, mà cụ thể là các doanh nghiệp, tôi cho rằng chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỉ giá hợp lý, lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
TS. Cấn Văn Lực

 

Để hỗ trợ nền kinh tế, mà cụ thể là các doanh nghiệp, tôi cho rằng chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỉ giá hợp lý, lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Về phía Bộ Tài chính cần có chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Đồng thời rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm… Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước…

Trân trọng cảm ơn ông./.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.