.

Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Cập nhật: 20:19, 21/09/2022 (GMT+7)

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn do giá xăng dầu thế giới biến động lớn thời gian qua, kéo theo nhiều tác động đối với giá cả mặt hàng này ở thị trường trong nước, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan chức năng cần điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp diễn biến thị trường, đồng thời cần tính đúng, đủ chi phí kinh doanh thực tế để bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp.

a
Với mức chiết khấu thấp bằng 0 đồng/lít, thậm chí âm như hiện nay, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đang lâm vào tình trạng càng bán càng lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Càng bán... càng lỗ

Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội, đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã nêu bật khó khăn gặp phải thời gian qua, trong đó có nghịch lý doanh nghiệp càng bán càng lỗ, thu không đủ bù chi.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thực tiễn hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp trong quý Il/2022 vừa qua gặp phải rất nhiều khó khăn, kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ.

Ông Hạnh phân tích, về chiết khấu (hoa hồng) theo quy định, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0 và chỉ 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn.

Trong khi đó, tổng chi phí cho 1 lít xăng, dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng dao động từ khoảng 1.130 đồng đến 1.341 đồng đối với từng mặt hàng xăng dầu. Chỉ tính riêng chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng đã rơi vào khoảng tối thiểu từ 300-350 đồng/lít
   

“Với chiết khấu như trên, thương nhân như chúng tôi càng bán càng lỗ, thu không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa”, ông Hạnh nêu khó khăn.


Ở tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn, trong đó có liên quan chiết khấu xăng dầu.

Cách đây 6 năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Hiện nay, doanh nghiệp có 5 cửa hàng và 10 đại lý nhưng chiết khấu thực tế bằng 0. Trong khi đó, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang (Hà Nội) lên Yên Bái khoảng 450 đồng/lít. Nhiều đại lý của công ty lại cách thành phố Yên Bái khoảng 100-120km, chủ yếu là đường đất, vùng sâu, vùng xa, khó khăn về đi lại.
 

“Chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang lên đến các đại lý của chúng tôi đã đẩy lên tới 700 đồng/lít mà giao mức chiết khấu bằng 0 thì rất khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Sinh bộc bạch.


Cũng đang “sống dở chết dở” với mức chiết khấu xăng dầu quá thấp, bà Lê Thị Nhã, chủ doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Văn Phúc (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, nhiều tháng nay, doanh nghiệp ở tình trạng lỗ vốn. Nếu mức chiết khấu cứ duy trì như hiện nay, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.

Điều chỉnh giá phù hợp diễn biến thị trường

Chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thời gian qua là giai đoạn tương đối khó khăn đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói riêng và ngành kinh doanh xăng dầu nói chung.

Theo ông Nam, các doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh lỗ nhưng nhà nước không cho đóng cửa là thực trạng có thật. Do đó, ông Nam cho rằng cần phải tìm cách từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý để "tháo nút thắt" này, bởi hơn 17 nghìn đơn vị kinh doanh xăng dầu trên cả nước hiện nay còn kèm theo đó là người lao động, liên quan an sinh xã hội.

a
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, kinh doanh xăng dầu lệ thuộc vào thị trường quốc tế. Diễn biến xăng dầu năm 2022 mang tính dị biệt, trong đó đây là năm đầu tiên có khái niệm chiết khấu xăng dầu bằng 0, thậm chí âm, do tác động khách quan từ giá cả thế giới. Do đó, theo ông Bảo, cần phải có những đề xuất về mặt cơ chế mang tính khác biệt trước các diễn biến đặc biệt này.

Ông Bảo phân tích, nếu như vài năm trước, để chu kỳ tăng, giảm giá khoảng 7-10%, cần từ 10-15 ngày, nhưng biên độ chênh lệch lớn với rủi ro cao như trong những ngày gần đây thì “không doanh nghiệp nào có thể chịu đựng được”.

Theo ông Bảo, thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó cơ quan quản lý nhà nước quản lý giá trần và doanh nghiệp trên cơ sở mức giá trần đó có thể điều chỉnh giá cả cho phù hợp diễn biến thị trường.

Ngoài ra, hệ thống bán lẻ cần được quan tâm hơn nữa về quan hệ với đầu mối, nhà phân phối về thông tin thị trường để bảo đảm tiếng nói trong thương trường. Nhà bán lẻ cũng cần chuyên nghiệp hơn, các doanh nghiệp xăng dầu cần nâng cao ý thức tổ chức kinh doanh, tăng cường liên thông, liên kết với đầu mối để nâng chiết khấu.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Điều 11 của Thông tư 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 quy định lợi nhuận định mức không thay đổi được áp dụng tối đa 300 đồng/lít. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thì 1 lít xăng dầu chi phí tối thiểu phải từ 1.517-1.641 đồng/lít đối với xăng, và từ 1.430-1.554 đồng/lít đối với dầu, mới bảo đảm bù đắp được chi phí trong kinh doanh xăng dầu cho thương nhân phân phối, cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu.

Ông Hạnh kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước cũng cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để bảo đảm đủ chi phí trong kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Quyền Trưởng Ban Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi liên Bộ Công thương-Tài chính đưa ra mức giá bán lẻ xăng dầu phải bảo đảm đủ chi phí cho các khâu lưu thông, tránh việc hạ giá để “lấy thành tích” nhưng tăng lỗ cho doanh nghiệp.
 

“Trong các thời điểm điều chỉnh giá, nhà nước giảm một phần nhưng cần để các doanh nghiệp tồn tại, và ngay trong kỳ điều hành giá gần nhất cần tính đến thực tế các doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp”, bà Hường nêu kiến nghị


Bên cạnh đó, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay theo quy định sẽ tiến hành điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, nếu rơi vào ngày nghỉ sẽ lùi vào hôm sau. Theo bà Hường, quy định như vậy không hợp lý vì chu kỳ quá dài và trên thực tế, có kỳ nghỉ kéo dài nhiều ngày, do đó cần rút ngắn thời gian giữa 2 kỳ điều chỉnh giá.

“Giá cả thế giới thay đổi thì chỉ cần 1 ngày sau, mức chiết khấu đã thay đổi. Không có lý gì cơ quan quản lý nhà nước 10 ngày sau mới điều chỉnh giá, làm thị trường bị trễ khủng khiếp, không khác nào quay trở lại thời kỳ bao cấp. Xăng dầu phải có sức sống và bắt nhịp với biến động của đời sống”, bà Hường bày tỏ quan điểm.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nêu rõ, thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt về nguồn cung xăng dầu. Do đó, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ then chốt đầu tiên.

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền để điều chỉnh sao cho gần hơn với thực tiễn và tiếp cận sát hơn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
 

“Công tác điều hành đã có điều chỉnh để tiếp cận gần hơn với công tác tính giá và diễn biến giá thế giới, với quan điểm góc độ điều hành phải có sự hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp xăng dầu cùng người dân. Chúng tôi sẽ tiếp thu các kiến nghị từ địa phương để tiếp tục tham mưu, điều chỉnh sao cho hài hòa, phù hợp với thực tiễn phát sinh, với mục đích là bình ổn không chỉ mặt hàng xăng dầu mà còn các mặt hàng khác liên quan trực tiếp đến đời sống người dân”, ông Tuấn nói.


 

(Theo nhndan.vn)


 

.
.
.