.

Xuất khẩu tăng tốc để cán đích

Cập nhật: 20:28, 20/09/2022 (GMT+7)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo: Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.

a
Xuất nhập khẩu đạt được kết quả này là do Chính phủ đã quyết tâm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý IV/2021, tạo động lực cho các ngành sản xuất, dịch vụ - Ảnh minh họa

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, kỳ 2 tháng 8 (từ ngày 16-31/8) kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt 35,42 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 5,05 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2022.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 8 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng đầu năm lên 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 68,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ 2 tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,97 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 5,49 tỷ USD.

Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Nếu như ở thời điểm này năm trước (2021), Việt Nam đang nhập siêu 3,52 tỷ USD nhưng hiện nay cán cân thương mại đang nghiêng về phía xuất siêu.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Xuất nhập khẩu đạt được kết quả này là do Chính phủ đã quyết tâm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý IV/2021, tạo động lực cho các ngành sản xuất, dịch vụ đã tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó là những thuận lợi đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn. Ví dụ như nhóm hàng nông-thủy sản, rau, quả cũng đã tận dụng tốt được các lợi ích từ các FTA.

Với việc cán cân thương mại đang nghiêng về chiều xuất siêu, ông Trần Thanh Hải nhận định "Là dấu hiệu rất tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng khá rõ của việc suy thoái cũng như lạm phát tại một số thị trường lớn".

"Việc suy thoái và lạm phát có thể gây ra biến động về tỉ giá, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Lạm phát cũng khiến nhu cầu về tiêu dùng của nhiều thị trường thắt chặt hơn. Trong bối cảnh như vậy thì việc chúng ta đạt được mức xuất siêu như hiện nay là yếu tố rất tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm", ông Trần Thanh Hải nhìn nhận.

Dệt may đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

Tại thời điểm này thì mức tăng trưởng của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành dệt may khá tốt. Dệt may cũng là ngành đang kỳ vọng có những bứt phá và đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội 2022 vừa diễn ra, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng, nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may chỉ khoảng 13 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may đã tạo ra 17 tỷ USD thặng dư thương mại. Đồng nghĩa, bên cạnh việc tạo kim ngạch, ngành dệt may còn tạo động lực để phục hồi nhiều doanh nghiệp ở các loại hình khác nhau.

Một điểm đặc biệt nữa, 8 tháng đầu năm nay ngành dệt may đạt tỉ lệ nội địa hóa 57% (cao hơn mức bình quân trong nhiều năm 50%), tiến gần hơn mục tiêu 60% vào năm 2025.

Tuy nhiên, ông Trường cũng nhận định, con số tăng trưởng trên có thể sẽ giảm đi trong 4 tháng cuối năm.

"Nếu trong 8 tháng đầu năm, mỗi tháng ngành có thể xuất khẩu được 3,7-3,8 tỷ USD/tháng, dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ đạt 3,1-3,2 tỷ USD/tháng.

Thị trường thế giới đột nhiên trở nên 'lạnh', cầu giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021 nhưng giá hàng dệt may lại giảm 9%, hàng tồn kho tăng rất cao. Mặt khác, kinh tế vĩ mô ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ giảm 8%, Trung Quốc 9% đồng nội tệ so với USD thì các ngành xuất khẩu của Việt Nam đang mất lợi thế về giá", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra dự báo.

Xuất nhập khẩu cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho rằng: Nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.

Tuy nhiên, cũng như Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cũng dự báo cơ hội của xuất khâu năm nay sẽ song hành cùng thách thức.

Bởi, tình hình lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Mỹ. Tình hình chiến sự giữa Nga–Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lương thực còn kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực khiến mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam không còn như trước. Đặc biệt, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia, cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.

(Theo chinhphu.vn)


 

.
.
.