Bài cuối: Đi trên con đường chính ngạch
BÀI 2: Tháo gỡ các "điểm nghẽn"
Tiếp cận phương thức sản xuất khác, tư duy làm kinh tế nông nghiệp cũng phải khác đi, là đích đến để đưa ngành Nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Đẩy nhanh thực hiện các giải pháp để đưa các sản phẩm chủ lực của Tiền Giang xuất khẩu chính ngạch đã và đang được ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện.
THAY ĐỔI TƯ DUY
Để hướng đến sản xuất bền vững, xuất khẩu chính ngạch, ngành Nông nghiệp đang khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho cây ăn trái, trọng điểm là sầu riêng và một số loại có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Ngành Nông nghiệp đang tập trung xây dựng các quy chuẩn sản xuất sầu riêng phù hợp để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Mẫn, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi khi Trung Quốc ký Nghị định thư cho trái sầu riêng nước ta được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Điều này mở ra cơ hội lớn cho người trồng sầu riêng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 19.400 ha sầu riêng. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 có 5.000 ha sầu riêng được cấp MSVT và đến hết năm 2023 có 13.000 ha sầu riêng được cấp MSVT.
Tất nhiên, để nông sản nói chung, sầu riêng nói riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cần những bộ tiêu chí khắt khe, nhất là đối với khâu sản xuất, nhưng dù sao đây cũng là thông tin quan trọng đối với ngành Nông nghiệp. Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Ngũ Hiệp Huỳnh Văn Lộc, HTX và các thành viên rất phấn khởi khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Với việc phía Trung Quốc đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu sầu riêng, HTX thấy đây cũng là cơ hội để người dân sản xuất theo quy chuẩn và hướng đến tính bền vững hơn cách thức sản xuất thời gian qua. “Bởi lúc đầu, người dân trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP, nhưng bán như bình thường nên không ai quan tâm làm.
Bây giờ phía Trung Quốc, một trong những thị trường rất lớn về tiêu thụ nông sản của Việt Nam, bắt buộc quy chuẩn như vậy, buộc người dân phải sản xuất theo chuẩn VietGAP hoặc tham gia vào HTX để đầu ra được bền vững hơn” - ông Lộc cho biết thêm.
Hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, bên cạnh sự tham gia tích cực của các HTX, nông dân trồng sầu riêng trong việc xây dựng MSVT hướng tới xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, một số doanh nghiệp cũng muốn tham gia hỗ trợ nông dân thực hiện MSVT.
Điều này cũng nhằm hướng đến mục tiêu tạo ra một vùng nguyên liệu lớn, an toàn để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chủ động hơn về nguồn hàng đảm bảo chất lượng. Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, công ty có 2 nhà máy được Trung Quốc phê duyệt xuất khẩu trái cây.
Trong thời gian tới, công ty sẵn sàng phối hợp với HTX và các nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thực hiện MSVT, với tổng diện tích từ 500 - 700 ha để đảm bảo lượng hàng cung ứng các đơn hàng xuất khẩu.
TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN
Trên thực tế, dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác cấp MSVT, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đăng ký MSVT còn tương đối chậm so với tổng diện tích cây trồng hiện có.
Ghi nhận thực tế cho thấy, huyện Cai Lậy có trên dưới 10.500 ha sầu riêng, diện tích cho trái 8.500 ha. Hiện địa phương có trên 1.000 ha được lập hồ sơ đề nghị cấp MSVT, trong đó chỉ mới được cấp 2 mã vùng trồng, với diện tích hơn 93 ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính từ cuối năm 2021 đến nay, Chi cục đã tiếp nhận 94 hồ sơ xin cấp mới MSVT, với tổng diện tích hơn 3.220 ha cho các loại cây: Sầu riêng, thanh long, mít, bưởi da xanh, ớt. Sầu riêng có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất với 63 hồ sơ/2.686 ha, thị trường xuất khẩu Trung Quốc. Trong đó, 41 hồ sơ vùng trồng đã kiểm tra thực địa và gửi hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật; 5 vùng trồng được Trung Quốc kiểm tra trực tuyến (2 vùng trồng đã được cấp mã, 3 vùng trồng đang khắc phục); 6 hồ sơ Chi cục đang yêu cầu bổ sung hồ sơ, 11 hồ sơ đang kiểm tra thực địa. Song song đó, Chi cục đã tiếp nhận 52 hồ sơ xin cấp mới mã số cơ sở đóng gói gồm: Sầu riêng, mít, xoài, ớt. Trong đó, sầu riêng có 10 cơ sở đóng gói đã được cấp mã, 3 cơ sở đóng gói cần khắc phục. Thời gian qua, Chi cục đã triển khai kiểm tra giám sát 183 cơ sở đóng gói (50 cơ sở đạt, 11 cơ sở cần khắc phục và 122 cơ sở không đạt yêu cầu); 47 vùng trồng (32 vùng trồng đạt, 4 vùng trồng cần khắc phục và 11 vùng trồng không đạt yêu cầu). Nhằm triển khai hiệu quả việc cấp MSVT, Chi cục cũng đã tổ chức 21 lớp tuyên truyền, tập huấn với 1.095 người tham dự tuyên truyền về các tiêu chuẩn, văn bản liên quan đến MSVT, cơ sở đóng gói, thiết lập MSVT và cơ sở đóng gói trái cây tươi. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được cấp 187 MSVT cây ăn trái, với diện tích 17.396 ha và 203 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói đang hoạt động phục vụ xuất khẩu. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Đinh Văn Tấn, để đẩy nhanh việc cấp MSVT, ngành Nông nghiệp cần phải có quy định cụ thể hơn việc khuyến khích cấp MSVT cho từng đối tượng là tổ sản xuất, doanh nghiệp, HTX, nông dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong lập hồ sơ và quản lý. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng cần có hướng dẫn tiếp theo về hoàn chỉnh hồ sơ, cũng như trình tự thủ tục để kiểm tra giám sát vùng trồng được tốt hơn.
Nhìn ở khía cạnh khác, vấn đề về ngăn chặn gian lận thương mại, sử dụng mã số cơ sở đóng gói chưa được ủy quyền cũng được các HTX quan tâm; bởi trên thực tế cũng đã từng xảy ra hiện tượng này. Theo ông Huỳnh Văn Lộc, vừa qua, HTX nhận được thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật có doanh nghiệp sử dụng mã đóng gói của HTX để xuất khẩu, trong khi HTX không ủy quyền cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Do đó, HTX mong rằng trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng trên để HTX an tâm trong hoạt động thu mua và xuất khẩu. Đây cũng là hành vi đã từng xảy ra ở một số loại nông sản xuất khẩu khác.
Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) Võ Văn Men, dù đã triển khai khẩn trương nhưng việc lập MSVT ở cây sầu riêng còn chậm khi chỉ mới có 2 MSVT được cấp dù toàn tỉnh có gần 20.000 ha. Nguyên nhân là do một số hộ dân còn chưa hiểu được những thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp MSVT.
“Muốn lập MSVT thuận lợi cần nông dân, doanh nghiệp, HTX đồng lòng để nắm lấy cơ hội nâng cao giá trị cây trồng, nhất là cây sầu riêng. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị tiếp tục chỉ đạo cho các địa phương nhanh chóng triển khai xây dựng MSVT.
Ngành Nông nghiệp các huyện phải hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương, HTX, nông dân quy trình sản xuất trái sầu riêng; hướng dẫn cơ sở đóng gói thực hiện đúng các tiêu chuẩn theo quy định của mã số cơ sở đóng gói. Các doanh nghiệp nên duy trì các tiêu chuẩn về đóng gói xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ nhằm giúp nông dân sản xuất đúng quy định. Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, đồng thuận về việc xây dựng MSVT” - đồng chí Võ Văn Men cho biết thêm.
Cùng với trái sầu riêng, thanh long cũng là cây ăn trái chủ lực ở tỉnh với diện tích khoảng 10.000 ha. Thời gian qua, việc cấp MSVT cho thanh long cũng được ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm thực hiện.
Tính đến nay, có 77 MSVT thanh long, với diện tích 6.090 ha được cấp; trong đó, có 29 MSVT thanh long với diện tích 5.469 ha được cấp sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc HTX Thiên Phúc, tình hình tiêu thụ thanh long vẫn chưa có nhiều khả quan, giá vẫn ở mức thấp. Những ngày qua, thành viên của HTX phải bán cho các thương lái với giá bấp bênh.
Theo ông Tường, hiện muốn xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc, chỉ có đường chính ngạch. Do đó, hiện HTX đã xây dựng MSVT với diện tích khoảng 50 ha, có như vậy mới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được.
Theo Sở NN-PTNT, tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh về giá trị gia tăng để tập trung đầu tư về khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong thực hiện, tỉnh lấy liên kết chuỗi làm trọng tâm, lấy khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao làm động lực phát triển. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là con đường tất yếu để bảo vệ giá trị môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sức sản xuất của đất và con người là mô hình nông nghiệp bền vững trong tương lai. Đối với cây ăn trái, tỉnh sẽ tập trung những chủng loại có giá trị kinh tế cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường; sản xuất theo chuỗi liên kết, mời gọi đầu tư chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm. Trên cây rau màu, địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất đối với những vùng trồng tập trung, liên kết thông qua các HTX. Nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua các hợp đồng cung ứng sản phẩm với các đơn vị đầu mối tiêu thụ. Đối với cây lúa, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng lúa - gạo tại các vùng sản xuất tập trung thông qua việc sử dụng giống chất lượng cao, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thí điểm sản xuất gạo hữu cơ. |
NHÓM PVKT