Thứ Năm, 27/10/2022, 09:14 (GMT+7)
.
SẢN XUẤT NÔNG SẢN AN TOÀN - KHÓ TỪ ĐÂU?

BÀI 2: Tháo gỡ các "điểm nghẽn"

BÀI 1: Bắt nhịp xu thế

Thị trường tiêu thụ vẫn đang là “bài toán” khó trong sản xuất nông sản an toàn hiện nay. Do đó, để phát triển sản xuất nông sản an toàn cần có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang bị “nghẽn” ở nhiều khâu.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang bị “nghẽn” ở nhiều khâu.

Nhiều loại nông sản sản xuất theo quy trình an toàn, nhưng giá bán lại bằng với sản xuất theo kiểu truyền thống khiến người dân không mặn mà, khó nhân rộng mô hình.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Ai cũng thừa nhận sản xuất an toàn để người tiêu dùng được an toàn là xu thế chung và là hướng đi tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, từ việc triển khai các chủ trương chung, đến bắt tay sản xuất và tiêu thụ theo hướng an toàn đối với nhiều loại nông sản là con đường còn khá dài và không ít chông chênh.

Thực tế cho thấy việc thay đổi tư duy trong khâu sản xuất đã khó, đến khâu tiêu thụ theo hướng hiện đại càng không dễ. Chính vì vậy, để thực hiện được chuỗi sản phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng là một chặng đường dài và còn lắm gian nan. Chính những điều này đã làm cho các mô hình sản xuất an toàn trong ngành Nông nghiệp nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng được triển khai thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khó nhân rộng.

Kiểm chứng thực tế cho thấy, trước đây, Hợp tác xã (HTX) Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) có khoảng 200 ha thanh long được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, đến nay, diện tích được công nhận VietGAP chỉ còn khoảng vài chục ha.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc HTX Thiên Phúc cho biết, dù sản xuất theo chuẩn VietGAP, nhưng giá bán thanh long không cao hơn so với ngoài thị trường. Từ đó, nông dân không mặn mà với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi khi sản xuất theo tiêu chuẩn này, người dân bắt buộc phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn so với truyền thống.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký áp dụng và được chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn GAP, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương).

Sở tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các sản phẩm theo quy định, đặc biệt là sản phẩm trái cây chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Nhận thấy việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều ưu điểm, ông Lê Hồng Hải, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) đã áp dụng trên 1,5 ha vú sữa của gia đình. Sau khi thực hiện thành công, ông cùng HTX thành lập Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP để phổ biến, nhân rộng mô hình cho những thành viên trồng vú sữa trong HTX.

Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP có 23 thành viên với 14,5 ha trồng các loại vú sữa như: Bơ hồng, tím Bách Thảo, Lò Rèn. Sau khi đã khẳng định được chất lượng, HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường và ký kết được hợp đồng cung ứng vú sữa cho các cửa hàng trái cây sạch tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 cửa hàng, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Định… và một số siêu thị.

“Cái khó trong sản xuất VietGAP hiện nay nằm ở khâu đầu ra. Khi chúng tôi bán vú sữa vào các chuỗi cửa hàng trái cây sạch thì giá cao hơn, nhưng khi bán vào siêu thị thì giá cũng như “hàng chợ”. Trong khi đó, siêu thị yêu cầu mẫu mã trái phải đẹp. Do đó, thời gian qua, Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP gặp khó trong việc mở rộng thành viên và diện tích sản xuất” - ông Lê Hồng Hải cho biết.

Ngoài trái cây, sản xuất rau an toàn cũng gặp những nét tương đồng như thế. Theo đại diện HTX Rau an toàn Long Thuận (TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang), HTX đã được chứng nhận VietGAP trong hơn 3 năm nay. Hiện nay, HTX cung ứng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, giá bán rau màu cho đối tác cũng không cao hơn so với bán cho các chợ đầu mối. Những lúc hàng nhiều, HTX phải bán rau cho các chợ để giải quyết hàng tồn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế là rất khó nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

LỜI GIẢI NÀO?

Trên thực tế, bên cạnh yếu tố về giá làm cho nhiều nông dân không mặn mà trong sản xuất nông sản an toàn, thị trường tiêu thụ cũng là rào cản lớn trong phát triển sản xuất. Mặc dù xu hướng tiêu dùng đang có sự thay đổi, nhưng nhìn chung thực phẩm an toàn, sạch vẫn đang “khó” đầu ra. Đó là một trong những nghịch lý trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn lâu nay.

Mặc dù tâm lý người tiêu dùng đã dần thay đổi, nhưng không thể phủ nhận thực phẩm an toàn vẫn còn “lép vế”. Trên địa bàn Tiền Giang, thời gian qua đã hình thành một số cửa hàng buôn bán thực phẩm sạch, an toàn như: Rau sạch Tiến Phát, Bách hóa thực phẩm Ngọc Hương… Bước đầu, các cửa hàng này cũng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, do sức mua yếu và tâm lý của người tiêu dùng chưa chuyển biến nhanh nên các cửa hàng cũng lần lượt rút khỏi thị trường.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang bị “nghẽn” ở nhiều khâu.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang bị “nghẽn” ở nhiều khâu.

Nhìn một cách tổng thể hơn, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) thời gian qua chưa thật sự trở thành phong trào mạnh và tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn thấp.

Theo đó, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.200 ha cây trồng được chứng nhận GAP. Đây là con số rất khiêm tốn so với diện tích hơn 80.000 ha cây ăn trái của tỉnh. Chưa kể, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ chỉ tập trung ở quy mô hộ, HTX. Các mô hình sau ứng dụng khó nhân rộng do chi phí cao.

Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Nguồn nhân lực tinh thông sản xuất NNHC, công nghệ cao còn quá ít so với nhu cầu. Sự liên kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm chưa nhiều nên tình trạng được mùa mất giá liên tục diễn ra, hiệu quả kinh tế còn thấp.

Trên thực tế, để đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn, bên cạnh áp dụng tiêu chuẩn GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ cũng đang là hướng đi cần thiết hiện nay. Đây là bước đi cần thiết để hướng tới xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính.

Theo PGS.TS. Dương Văn Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển các mô hình NNHC tại Tiền Giang hầu như mới chỉ là bước đầu, trong khi đó tiềm năng phát triển rất lớn. Để phát triển NNHC với quy mô lớn hơn cần triển khai Đề án NNHC tại tỉnh Tiền Giang trên cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển NNHC tại tỉnh cùng với việc xác định quy mô, đối tượng, đơn vị triển khai và kinh phí đầu tư. Đặc biệt lưu ý là nguồn nhân lực liên quan đến kiến thức canh tác hữu cơ còn thiếu trầm trọng trên quy mô cả nước cũng như tại tỉnh Tiền Giang.

Tỉnh cần quy hoạch vùng nông nghiệp có thể phát triển NNHC cũng như lựa chọn đối tượng cây trồng ưu tiên áp dụng biện pháp canh tác hữu cơ: Rau các loại, sầu riêng, xoài, thanh long, cây có múi... Cây lúa cũng là đối tượng có thể triển khai canh tác hữu cơ.

Tuy nhiên, tỉnh nên ưu tiên lựa chọn những giống lúa đặc sản địa phương có giá trị để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm. Đồng thời, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cần chủ động xây dựng danh mục vật tư đầu vào cho trồng trọt hữu cơ của tỉnh; bước đầu xây dựng các mô hình canh tác hữu cơ hiệu quả như: Lúa, sầu riêng, xoài hữu cơ, rau hữu cơ gắn với việc tổ chức chứng nhận do các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với với thị trường TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

NHÓM PVKT

(Còn tiếp)

 

 

.
.
.